Ngày 20-3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường vàng, đặc biệt phải có tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Như vậy, tính từ tháng 6-2023 đến nay, Thủ tướng đã có tổng cộng 9 văn bản đôn đốc nhưng đến nay NHNN vẫn chưa có báo cáo tổng kết Nghị định 24 dù cơ quan này đã nhận ra những bất cập trong quản lý thị trường vàng.
Cụ thể, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 vào ngày 3-1-2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận thời gian qua Nghị định 24 đã phát huy đạt được mục tiêu chống "vàng hóa" nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nhưng đến nay, các điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, việc sửa nghị định này là cần thiết và lẽ ra phải sửa đổi sớm hơn.
Ngay từ đầu năm 2024, đại diện lãnh đạo NHNN đã có ý kiến như vậy nhưng tại sao gần 3 tháng qua vẫn "án binh bất động"?
"Sốt ruột", ngay tối 20-3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo NHNN và các bộ ngành liên quan bàn các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Tại cuộc họp này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đánh giá Nghị định 24 ban hành từ năm 2012 đã làm thay đổi cục diện thị trường vàng, chống "vàng hóa" nền kinh tế. Tuy nhiên từ 2014 đến nay, NHNN chưa đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung trên thị trường. "Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng quốc tế ở mức cao, có khi lên đến 20 triệu đồng/lượng" - ông Phạm Thanh Hà phát biểu.
Nhận định của ông Phạm Thanh Hà không làm ai ngạc nhiên, vì 2-3 năm trước, tình hình giá vàng trong nước cũng gần y hệt như hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã rất cao. Điều này có nghĩa Nghị định 24 đã lạc hậu từ lâu.
Lạc hậu là tất yếu, vì Nghị định 24 ra đời cách nay 12 năm (2012), lúc đó vàng SJC chỉ có 30 triệu đồng/lượng, nay có khi lên đến hơn 82 triệu đồng/lượng, làm sao đủ sức điều chỉnh được những biến động của thị trường như hiện nay.
Để giải quyết thực trạng thị trường vàng, ông Phạm Thanh Hà đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Ông Hà lý giải rằng việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, giúp tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Ý kiến này cũng không mới vì trước đó nhiều chuyên gia tài chính tiền tệ, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA)… đã đề xuất như vậy.
Thực tế, giá vàng độc quyền SJC đang rất phức tạp, nhảy múa liên tục, từng đạt đỉnh "mọi thời đại"; chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới, có khi lên tới 20 triệu đồng/lượng; và cao hơn rất nhiều so với vàng 24K của các thương hiệu khác… Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy như buôn lậu, khiến việc quản lý ở các cửa khẩu phức tạp, gây áp lực lên ngoại tệ, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. NHNN lý giải như thế nào khi giá USD nhảy múa gần đây? Và ý kiến cho rằng giá vàng chênh lệch trong nước và thế giới cao như vậy, làm sao cản được hoạt động buôn lậu vàng?
Giá vàng SJC chênh lệch có khi lên đến gần 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới nhưng tại sao giá vàng nhẫn trong nước luôn tiệm cận giá vàng thế giới?
Trả lời được câu hỏi này cũng có thể mở ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý thị trường vàng hiện nay.
Từ nhiều năm trước, có nhiều ý kiến trả vàng về với thị trường tự do, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng có điều kiện nhưng cơ quan tham mưu cho Chính phủ vẫn im lặng.
Lập sàn vàng cũng là một phương thức quản lý vàng tốt nhất hiện nay mà nhiều quốc gia đã làm, cũng được các chuyên gia tài chính tiền tệ đề xuất đã lâu. Thành công của sàn vàng Thượng Hải (Trung Quốc, lập từ năm 2014) là một bài học có thể áp dụng ở nước ta. Sản phẩm được phép giao dịch ở sàn này là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, luôn sát với giá vàng thế giới.
Việc chậm đưa ra các giải pháp tích cực để kiểm soát giá vàng, để giá vàng nhảy múa liên tục có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Giá vàng tăng cao, chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới cao còn gây sức ép lên tỉ giá VND/USD và nhiều hệ lụy khác...
Bình luận (0)