Vụ việc giữa cầu thủ Nguyễn Xuân Nam (đội PVF-CAND) và Vũ Văn Sơn (CLB Trẻ TP HCM) xảy ra tối 14-11 tại Giải Hạng nhất quốc gia đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam xảy ra những vụ xô xát như vậy. Nhưng trong vụ việc này, khi trái bóng đã ngừng lăn, khi trận đấu đã kết thúc nhưng cầu thủ vẫn lao vào nhau, xảy ra thương tích phản ánh tính chất bạo lực, côn đồ, vượt ngoài khuôn khổ luật chơi. Đây là hành vi phi thể thao, thể hiện tính vô kỷ luật đã ăn sâu vào tư duy, suy nghĩ của 2 nhân vật chính của vụ việc.
Giữa lúc bóng đá nước nhà đang trong giai đoạn "thoái trào" rất cần lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ thì hành vi của Xuân Nam và Văn Sơn như đạp đổ những nỗ lực gầy dựng lại hình ảnh bóng đá Việt Nam và khiến người hâm mộ ngao ngán.
Sở dĩ những vụ việc thế này cứ tái diễn là do chúng ta mắc phải "lỗi hệ thống". Đó là những lỗ hổng từ gốc về công tác đào tạo, giáo dục nhận thức - đạo đức cho cầu thủ chưa được chú trọng đúng mức; đó còn là sự thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán của một bộ phận trọng tài trên sân cỏ, không đưa ra những quyết định đủ mạnh để ngăn chặn hành vi sai trái, khiến cầu thủ lờn luật; công tác tổ chức trận đấu kém, thiếu các phương án chống rủi ro hiệu quả.
Ngoài ra, còn có sự bao che, dung túng của những người quản lý đối với cầu thủ dưới quyền. Thành ra, ngay khi sự việc đáng tiếc xảy ra, thay vì bình tĩnh mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thì trên nhiều diễn đàn, các đội đều mạnh ai nấy giành phần phải về mình.
Bóng đá là môn thể thao đối kháng nhưng khi tranh chấp, va chạm phải trong khuôn khổ của luật chơi. Đừng lấy cớ đối kháng để xâm hại nhau. Mọi động thái triệt hạ, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn sân cỏ, sử dụng lời lẽ xúc phạm nhau... đều là hành vi tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phát triển chung. Nên nhớ bóng đá là môn thể thao vua. Tại Việt Nam môn thể thao này thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng ở nhiều lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em.
Câu hỏi được đặt ra là, khi sử dụng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn sân cỏ nhằm thỏa mãn cái đầu nóng thì cầu thủ có nghĩ đến hậu quả hay không? Như mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, tòa án nước này đã kết án gần 4 năm tù giam với cựu Chủ tịch CLB Ankaragucu, ông Faruk Koca - người từng lao vào sân đấm thẳng mặt trọng tài chính sau trận đấu ở giải vô địch quốc gia vào cuối năm 2023.
Thực tế đó cho thấy, có những vụ việc xảy ra mà vượt ngoài khuôn khổ của luật chơi, thiết nghĩ VFF cùng BTC giải nên nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng để điều tra, xử lý thích đáng những người có liên quan nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả nạn bạo lực sân cỏ và những hành vi côn đồ trong bóng đá vốn gây nhiều hệ lụy tiêu cực, kéo lùi sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam thời gian qua cũng đạt được nhiều tiến bộ nhất định nhưng môi trường bóng đá vẫn còn nhiều "vẩn đục". Một bộ phận người làm bóng đá còn hành xử thiếu lành mạnh, tự phát, không tôn trọng luật chơi. Nhiều cầu thủ Việt thay vì tập trung nâng cao kỹ năng chơi bóng thì lại chọn cách chơi tiểu xảo, khôn lỏi, bạo lực để tìm chỗ đứng. Điều này gây ra nhiều hệ lụy khi chúng ta bước ra sân chơi quốc tế.
Bình luận (0)