Sáng nay (5-9), 22 triệu học sinh - sinh viên cả nước bước vào năm học mới.
Năm nào cũng vậy, giống như học sinh - sinh viên háo hức đến trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng háo hức... đổi mới.
Sự háo hức thể hiện quyết tâm của Bộ, như xã hội đã thấy, là chẳng bao giờ thừa, là rất có trách nhiệm, là đáng hoan nghênh.
Trong các mục tiêu của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đồng tình cả. Duy chỉ một điều, chúng tôi đề nghị Bộ... tạm bớt quyết tâm. Đó là hãy đừng háo hức... đổi mới thi cử nữa!
Ấy là chuyện của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.
Ba năm qua, Bộ GD-ĐT đổi tới, đổi lui mỗi việc thi THPT quốc gia và tuyển sinh. Cộng với liên tục nhiều năm tìm tòi, sáng tạo và thay đổi trước đó, cả xã hội như "lên đồng" theo. Thầy và trò xanh mặt còn cha mẹ học sinh cũng bở hơi tai chạy theo Bộ.
Cũng vì vậy mà Bộ GD-ĐT bị đặt tên là "Bộ Thi", dù nỗ lực đổi mới thi cử của Bộ hoàn toàn có cơ sở và thiện ý.
Năm rồi, Bộ GD-ĐT tự đánh giá là một kỳ thi THPT quốc gia thành công và cũng vẫn điệp khúc nhận xét thường thấy "đề thi có tính phân hóa cao". Nhưng xin thưa, có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10, nhiều chưa từng có, hơn gấp đến 60 lần so với số bài thi điểm 10 của năm trước, gọi là "mưa điểm 10" chẳng sai.
Trong khi đó, lượng bài thi điểm 4-5 vẫn khá nhiều. Qua hai dữ liệu này chứng tỏ học sinh đã không giỏi hơn, nghĩa là đó chẳng phải thành tích - của học sinh và của Bộ - gì sất!
Nó còn nguy hiểm ở chỗ đã khiến cho học sinh và phụ huynh ảo tưởng về thực lực của bản thân, của con em mình.
Và thành công thế nào được khi mà học sinh đạt 30 điểm/3 môn mà vẫn rớt ĐH (?!). Chả cần phải biết bởi đó là tốp đầu (ngành y khoa, quân đội) hay vì gì cả, chẳng qua là giải thích "kỹ thuật" của Bộ, xã hội ai nhìn vào cũng thấy phi lý ngút trời rồi.
Rồi giải thích sao khi học sinh chỉ cần 9 điểm/3 môn là đỗ vào các trường sư phạm? Đầu vào cử nhân sư phạm thấp tận đáy như thế thì khi ra trường dám đi dạy cho ai?
Những bất cập kể trên cần phải điều chỉnh để hoàn thiện, thay vì tính tới tiếp tục đổi mới thi cử toàn diện và triệt để, để rồi tiếp tục lựa chọn phương án mới phủ định hoàn toàn phương án cũ. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi, các quan chức Bộ không mệt sao? Tốn kém lắm, dân còn nghèo, nợ công còn nhiều, đất nước còn cơ cực, thưa Bộ trưởng!
Còn nữa hai điều cay đắng: Phải làm sao để không còn cảnh rình bắt giáo viên dạy thêm như... bắt trộm; đừng để diễn ra cảnh giáo viên đấu tố nhau về việc dạy thêm, ê chề lắm. Phải làm sao để chiếc cặp trên lưng con tôi nhẹ đi một nửa?
Bộ GD-ĐT làm có được không?
Nếu làm được rồi thì mới tính tới nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan. Thể trạng đang còi cọc mà nhồi thuốc đại bổ vào thì không chắc thôi ốm yếu mà có nguy cơ suy nhược thêm!
Việt Nam và Phần Lan ký kết hợp tác giáo dục với nhiều nội dung - Ảnh: SGGP Online
Thăm dò ý kiến
Quan điểm của bạn về bài viết:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)