Cũng may, cả 10 học sinh lớp 6 an mạng. Cũng may, hôm đó là chiều cuối tuần, phòng học bên dưới không có ai. Chứ không thì... Chẳng dám nghĩ tới nữa!
Chuyện xảy ra ở Trường THCS-THPT Đống Đa (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chiều 26-8. Ngôi trường ấy đã 60 năm tuổi. Thực ra, 60 năm chưa phải là khoảng thời gian dài đối với công trình xây dựng kiên cố như trường học. Nhưng mà, riêng đối với trường này, nhìn cận cảnh tấm sàn đã đổ sập, vỡ ra, cũng không ít người tin đó là kết cấu bê-tông sắt thép!
Có người nghi ngờ: Ủa, sao giống sàn bê-tông... cốt tre vậy?
Hiện trường phòng học bị sập sàn
Chuyện sập sàn phòng học là hy hữu, khó tin nhưng có thật. Cơ quan chức năng nhân chuyện này phải vào cuộc kiểm định toàn diện bởi nay một sàn đã sập thì mai mốt có thể sàn khác sẽ sập.
Năm học mới đã đến, lại vào mùa mưa bão, hiểm nguy ẩn tàng như thế, ai dám vào học, cha mẹ nào dám ký thác sinh mạng con cái mình vào đó.
Và, chẳng lẽ lại để những mầm non của tương lai đất nước ngồi học giữa ranh giới tử sinh như thế hay sao?
Chợt nhớ, cách nay không lâu, tỉnh Lâm Đồng khánh thành trung tâm hành chính hơn 1.000 tỉ đồng. Chút vôi thừa vữa cặn của công trình ngàn tỉ ấy là dư sức để sửa chữa mấy phòng học ở Trường Đống Đa nhưng nào có ai đoái hoài. Để bây giờ, khi xảy ra chuyện thì lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố mới giật mình đến thăm, tặng tiền cho các nạn nhân, mỗi em 5 triệu đồng!
Chẳng ai muốn phải nhận khoản tiền ấy cả. Điều mà họ - và chúng ta - muốn là làm sao để không riêng Trường Đống Đa mà tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo phải an toàn cho học sinh và thầy cô giáo. Cũng không riêng Lâm Đồng mà tỉnh - thành nào cũng phải vậy.
Tai nạn hẳn nhiên không ai muốn song trước thực tế tương phản và phũ phàng như thế, những "công bộc" của dân đang ngồi trong phòng lạnh ở những trung tâm hành chính ngàn tỉ đã và đang thi nhau mọc lên có thấy đắng lòng không?
Bình luận (0)