Nữ bác sĩ ấy là Nguyễn Thị Hạnh - Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Hẳn nhiều người còn nhớ, hơn 3 năm trước, sau một lần khám sức khỏe tại cơ quan, bác sĩ Hạnh được phát hiện có khối u, sau đó xác định là ung thư tuyến vỏ thượng thận.
Hạnh được phẫu thuật cắt bỏ khối u đã có di căn nhưng từ chối các phương pháp điều trị bổ trợ để thực hiện một công việc mà chị mong mỏi, đó là sinh con thêm lần nữa vì chị chỉ mới có một đứa con gái (lần mang thai tiếp sau bé gái đầu lòng này, thai bị chết lưu).
Chị bảo "nếu sau này tôi có chết thì các con có chị có em đỡ đần nhau" (!).
Và gần 1 năm sau ngày cắt u, niềm vui ập đến: Hạnh mang thai và đầu năm 2016 thì hạ sinh một bé gái. Vậy là "có chị có em", như mong ước. Nhưng người mẹ ấy thì không còn nữa.
Sau 9 tháng kể từ khi biết khối u đã tái phát, di căn nhiều nơi, Hạnh kiên trì chiến đấu với bạo bệnh, không một lời thở than..., thế mà điều kỳ diệu đã không đến. Các đồng nghiệp bác sĩ đã cố gắng hết sức, gia đình cũng hết lòng chạy chữa nhưng người mẹ đó đã ra đi.
Cố bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh
Trường hợp của bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh khiến chúng ta nhớ lại chuyện của thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm (Hà Tĩnh) hồi giữa năm 2016.
Nữ sinh Đậu Thị Huyền Trâm khi đang ôn thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Ảnh: KÊNH 14
Khi mang thai đến tuần thứ 19, Trâm biết mình mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn vào gan và tim. Để bảo vệ con (trai), cho con chào đời an toàn, Trâm từ chối tất cả các phương pháp điều trị. Khoảng thời gian vừa chống lại khối u vừa nằm chờ thai nhi lớn dần là những ngày khủng khiếp với nữ thiếu úy công an ấy.
Đến tuần thứ 29, để cứu Trâm lẫn con vì tình trạng bệnh nhân đã nặng cùng cực, một ca phẫu thuật đặc biệt đã được tiến hành với sự phối hợp của gần 20 bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) vào ngày 10-7-2016.
Được nhìn thấy và nhắn nhủ cậu con trai bé bỏng nặng chỉ 1,2 kg, những tưởng Đậu Thị Huyền Trâm sẽ được tiếp thêm sự sống. Nhưng nhát dao tật bệnh đã oan nghiệt cắt đứt tình mẫu tử. 17 ngày sau, chị trút hơi thở cuối cùng khi tuổi mới 25, đúng vào ngay ngày 27-7, ngày thương binh - liệt sĩ, dù là ngẫu nhiên nhưng có ý nghĩa về sự hy sinh lớn lao, vô bờ.
Thế gian này có hàng triệu triệu bà mẹ tuyệt vời, trong số ấy tấm gương người mẹ - cố bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh và cố thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm thật sáng ngời về đức hy sinh, rất đáng đề cao và học tập.
Thổn thức trước sự ra đi của người mẹ cao cả ấy cũng là để trăn trở về những trường hợp tương phản, đau lòng đang diễn ra trong xã hội. Một nữ sinh viên đại học văn hóa ném đứa con sơ sinh của mình từ lầu cao chung cư xuống đất. Một bà mẹ trẻ do giận chồng mà bóp mũi hai con nhỏ đến chết. Một nữ công nhân vứt con mới sinh vào thùng rác ven đường, lấy giẻ nhét vào miệng con để triệt tiêu sự sống...
Đây đó rất nhiều trường hợp đau lòng, bất nhân như thế, tái diễn mãi, hồ như chẳng thể nào chấm dứt.
Chẳng nên mượn những luân lý giáo điều để răn dạy nữa vì ai cũng hiểu tình mẫu tử và tình người cao quý thế nào. Chỉ mong rằng những từ mẫu như chị Nguyễn Thị Hạnh, Đậu Thị Huyền Trâm... xuất hiện mãi để nhân lên thêm nét đẹp thiện lành trong xã hội; đẩy lùi cái xấu, cái ác thật xa. Họ đâu chỉ cứu con mình mà còn "chữa trị" cuộc sống này.
Những người mắc bệnh hiếm gặp, nan y như các chị đã phải ra đi theo tiếng gọi định mệnh nhưng nhân cách, phẩm hạnh của các chị sẽ sống mãi trong lòng mọi người. Bài viết này ghi mấy dòng tưởng niệm, và biết ơn!
Bình luận (0)