Bữa ăn sơ sài của một gia đình ở huyện nghèo miền núi Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái sau trận lũ quét và lở đất vào đầu tháng 8-2017 - Ảnh: VĂN DUẨN
Hình ảnh các em học sinh ngồi trên những vũng nước đọng trong ngày khai giảng năm học mới tại một điểm trường ở xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đang gây bức xúc dư luận trong những ngày qua.
Một năm học với nhiều đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm, đặt trọng tâm quyền con người, cải thiện đời sống giáo viên... được Bộ Giáo dục và Đào tạo hô hào, kỳ vọng dường như quá xa lạ với ngôi trường này.
Những học sinh và thầy cô giáo ở ở vùng đất nghèo khó vẻ như đứng ngoài rìa sự cải tổ và cũng nằm ngoài trí nhớ của người có trách nhiệm. Hàng ngàn tỉ đồng đã đổ ra cho những dự án đổi mới giáo dục triền miên qua nhiều năm nhưng không xóa được vết bùn bết trên đôi chân trần đến lớp của những học sinh. Thất vọng, vô cùng thất vọng!
Bộ Giao thông Vận tải có thể cấp phép cho hàng chục dự án BOT giao thông và người dân phải đóng hàng chục ngàn tỉ đồng oan ức cho các nhà đầu tư nhưng thử hỏi đã có đồng tiền nào "rơi" trên những con đường đến trường lầy lội, chênh vênh của các học sinh nghèo khó ở các điểm trường sập xệ vùng cao? Các em mơ về những con đường tráng nhựa, xa vời đến thế sao?
Bộ Xây dựng đang thúc bách rằng phải cần hơn 11.000 tỉ đồng để xây bảo tàng nhưng hỡi ôi, hãy nhìn vào những "ngôi trường" trống hoác, tuềnh toàng ở vùng cao Tây Bắc hẻo lánh hay tận miệt thứ đồng bằng sông Cửu Long xa xôi để thấy ý tưởng xây bảo tàng là kệch cỡm, lãng phí đến dường nào.
Chúng ta trưng bày những gì trong bảo tàng ấy trong khi còn biết bao trẻ em chưa đủ no để đến trường, không đủ sách vở để học; còn biết bao hộ nghèo đang chạy ăn từng bữa. Hình ảnh của những đứa trẻ kia sẽ lưu trong ký ức và nói lên nhiều điều hơn bất cứ thứ gì trưng ở bảo tàng.
Bao giờ những các em có thể được đến trường trên những con đường sạch sẽ?
Tiền để xây bảo tàng có thể xây hàng vạn ngôi trường cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Bao giờ Bộ Xây dựng có thể lát cho các em một nền lớp học chỉ bằng xi-măng thôi để khỏi ngồi trên nền đất?
Và cơ hội nào cho các em có thể vượt qua những năm học kham khổ? Cơ hội nào cho các em bước vào đời trong một nền giáo dục đổi mới như Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng?
Huy động sức mạnh và củng cố lòng tin từ người dân, chẳng cần phải làm gì vĩ mô xa xôi mà hãy tập trung giải quyết những nhu cầu thiết yếu thường ngày trước đã. "Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm/ Rồi đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn...". (Đánh thức tiềm lực - Nguyễn Duy).
Bình luận (0)