Những tưởng sự trần trụi trên chỉ có ở nơi chốn xô bồ. Nhưng không, đấy là chùa Hương. Chùa Hương trong mùa hành hương mà vậy đấy.
Đánh bài trên đường vào chùa Hương. Ảnh: Ngô Nhung
Được xây dựng đã hơn 3 thế kỷ, chùa Hương với nhiều danh thắng và truyền thống tín ngưỡng đã trở thành nét văn hóa in sâu trong tâm linh của người Việt, đặc biệt là người dân các tỉnh phía Bắc. Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của Việt Nam. Ấy vậy mà từ lâu, những trò bán buôn đã làm vấy bẩn chốn này.
Nạn buôn bán thịt rừng ở mùa lễ hội chùa Hương rộ lên từ lâu lắm rồi và thịt rừng đã trở thành "thương hiệu" nơi đây. Người dân phản ánh, người mộ đạo lên tiếng nhưng rồi lãnh đạo các cơ quan chức năng địa phương cũng chỉ xuề xòa qua chuyện.
Năm nay cũng thế, thịt rừng vẫn được bày bán công khai đấy thôi, nhưng Trưởng Ban quản lý khu thắng cảnh chùa Hương cũng vờ như không thấy. Ông ngụy biện cho qua rằng đấy chỉ là thịt thỏ. Thỏ thế nào được, khi mà nai, chồn, nhím, dúi… bày sờ sờ ra đấy. Khách thì mua nườm nượp, bảng hiệu thì giương ra cụ thể cả giá tiền…
Nói thẳng, lễ hội thì "ăn" theo mùa. Khách càng đông thì lợi nhuận càng nhiều và có lẽ cũng vì lý do này mà những người tổ chức sẵn sàng chiều chuộng mọi gu của du khách.
Thịt chó, thịt dúi bán trong lễ hội chùa Hương. Ảnh: Ngô Nhung
Dù biện hộ kiểu gì thì đại diện ban tổ chức cũng không lấp liếm được những nhếch nhác đang bày ra hằng ngày ở chốn linh thiêng này.
Vãn cảnh chùa là nhằm cầu cho mọi sự tốt lành, để tâm mình hướng thiện, lòng mình thanh thản. Chứ đến chùa cầu lành mà cảnh sát sinh bày ra dọc lối đi, chó thui nhe răng trên sập, nhím thịt phanh bụng trên thớt… thì quả là tội nghiệp.
Chùa nào chịu đựng cho cam, lòng thanh bạch nào giữ cho nổi!
Dù biết rằng lễ hội sẽ khó tránh những điểm xô bồ của phần hội. Nhưng xô bồ đến độ thô tục như thế thì quá phản cảm.
Chẳng phải là ngày một ngày hai mà những người tổ chức có thể đỗ lỗi cho sơ suất, thiếu kinh nghiệm. Lễ hội này đã có từ lâu đời và những bậc tiền bối vẫn lưu giữ nghi thức, chương trình cụ thể. Dù có ý muốn khai thác du lịch đến mức nào thì nhà tổ chức cũng không thể để tùy phát phần hội hè mà dần làm mất đi ý nghĩa của phần lễ nghi và lòng giao hòa với thiên nhiên vốn là mục đích để xây dựng quần thể chùa Hương từ tận thế kỷ 17.
Những điều trên đã được cảnh báo nhiều rồi, các nhà tổ chức đừng lơ là mà cứ chăm chăm vào lợi nhuận từ du lịch. Lễ hội thì ai cũng biết là cần vui, nhưng vui vừa chứ không thể thô tục hóa!
Bình luận (0)