Một cái chết hết sức vô lý, tức tưởi. Người ta gọi là "tai nạn" - nghe rất quen, như bao vụ tai nạn khác - nhưng đối với nạn nhân, không thể nói giản đơn như thế.
Tuổi thanh xuân và tương lai còn dài của một con người bỗng dưng bị tước đoạt. Rất đau! Đau hơn là không phải lý do ngoại quan mà bởi có sự bất cẩn của con người.
Chuyện xảy ra vào chiều hôm qua, 27-9, khiến sự bức xúc lan rộng trong công chúng. Đó là trường hợp nối dài của nhiều vụ chết người tương tự như thế suốt mấy năm nay.
Cuối tháng 1-2018, một người đàn ông ngồi xe taxi, khi xe đi ngang một công trình xây dựng thì bị thanh sắt rơi xuống đâm xuyên cả xe lẫn người, khiến ông tử vong.
Đi ngoài đường phố ít an toàn hơn, mất mạng đã đành; ngồi trong xe taxi mà cũng bị chết bởi lý do từ trên trời rơi xuống thì có thể nói cuộc sống bây giờ bất an quá!
Làm sao để những cái chết như thế không xảy ra nữa? Phải bắt đầu từ luật, vận dụng luật một cách nghiêm minh và triệt để, đừng kêu gọi ý thức của con người chung chung.
Những chủ đầu tư dự án, những đơn vị thi công công trình phải bị quy buộc và truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự, ít nhất là hành vi "Vô ý làm chết người".
Nếu không lôi ra tòa được một vài cá nhân làm chết người trong các trường hợp như vậy, thay vì dàn xếp vụ việc theo hướng dân sự, thì những cái chết oan uổng sẽ còn nữa.
Trong một xã hội đòi hỏi tinh thần thượng tôn pháp luật thì chính những nhà hành luật phải đi tiên phong trong việc vận dụng luật pháp để nghiêm trị những hành vi tội phạm.
Ví như việc xử phạt hành vi nghe điện thoại khi lái xe. Khoản 3, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: (Từ ngày 1-1-2017), phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe trên đường.
Nhưng thử ra đường mà xem, người lái ôtô, xe máy vừa chạy vừa nghe điện thoại ào ào, chẳng sợ ai phạt, cũng chẳng sợ... chết; và chẳng mấy ai bị CSGT, TTGT xử phạt.
Sự coi thường luật pháp đó "góp phần lớn" vào con số gần 13.000 người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông ở nước ta, số người bị thương nặng cũng tương đương mức ấy.
Như vậy, pháp luật đã có nhưng được hiểu và hành "ầu ơ", sao cũng được, thậm chí vì lý do này nguyên nhân kia nên đã bẻ cong công lý, khiến cho luật bị nhờn, mất "thiêng".
Luật pháp là để quản lý xã hội, bảo đảm công lý và cao nhất là bảo vệ con người. Nhưng thực tế cho thấy tính mạng con người đã không được coi trọng đúng mức.
Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến một thông tin đã đọc cách nay mấy hôm, chuyện ở Hà Lan: Từ tháng 7-2019, Hà Lan sẽ cấm người chạy xe đạp sử dụng điện thoại di động.
Luật này mở rộng lệnh cấm từ 2002 đối với tài xế chạy ôtô và xe tải. Lý do: Dân Hà Lan dùng xe đạp rất nhiều (17 triệu chiếc) và số vụ tai nạn xe đạp ngày càng tăng.
Một trong những lý do khiến tai nạn chết người khi đi xe đạp tăng cao là vì người lái sử dụng điện thoại di động. Lệnh cấm mới nhằm mục đích bảo vệ tính mạng con người.
"Tôi đã phải dừng ôtô lại ven đường, nước mắt trào ra khi nghe đài báo sắp có lệnh cấm (dùng điện thoại khi chạy xe đạp)" - Michael Kulkens, một người Hà Lan, tự trào.
Ông ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch luật hóa nói trên vì cậu con trai Tommy-Boy, 13 tuổi, chết vì tai nạn lúc đang đạp xe. "Chúng ta đã làm được rồi, Tommy-Boy, chúng ta đã làm được" - Kulkens nói, như khóc.
Trông người mà ngẫm đến ta...!
Bình luận (0)