Về cái bằng tiến sĩ của Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương chỉ nêu ngắn gọn: "Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm".
Cái bằng đó như thế nào? Ông Nguyễn Xuân Anh khai trong lý lịch lấy cái bằng tiến sĩ hệ chính quy với số điểm khá cao ở Trường California Southern University (Mỹ) trong thời gian từ tháng 3-2005 đến 12-2006.
Cái bằng "không đúng quy định, thiếu trung thực" ấy gây nên những trận cười chua chát, mỉa mai của dư luận. Có người thiệt thà bảo con nhà quan, có quá nhiều điều kiện để học hành đến nơi đến chốn nhưng sao lại không chịu học hành.
Bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh
Lẽ tự nhiên là như vậy nhưng chuyện học đâu phải ai cũng học được!
Có người "vơ đũa cả nắm" rằng có nhiều quan chức xài bằng giả lắm. Nhớ chuyện ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn sử dụng bằng tiến sĩ dỏm của Trường Đại học Bulacan State (Philippines) không được công nhận, cách đây không lâu ông đã cay đắng ôm gần 400 triệu đồng trả lại ngân sách, vì ông lấy tiền thuế của dân đi lấy bằng tiến sĩ dỏm!
Vậy mà tiếp xúc với cử tri Bình Định hôm 4-5-2017, Đại biểu Quốc hội - "tiến sĩ" Lê Kim Toàn phát biểu mạnh miệng: "Với tư cách là Đại biểu Quốc hội được bà con cử tri bầu, tôi xin hứa không làm điều gì dối Đảng, dối nhân dân".
Có lẽ ông Toàn đúng vậy, trừ cái bằng tiến sĩ dỏm thôi!
Còn nữa, dư luận cũng truyền tai nhau rằng có thể còn nhiều quan chức của ta có bằng tiến sĩ dỏm, lỡ học, lỡ mua, không dám trưng ra, chỉ dám treo trong phòng ngủ hoặc cất trong ngăn tủ.
Chuyện bằng tiến sĩ dỏm, nhiều người nghĩ đến chất lượng cái bằng tiến sĩ ở xứ ta, nó có bao nhiêu phần trăm là bằng thật mà giả, bằng giả như thật?
Băng tiến sĩ giả, dỏm có nhiều loại, loại mua đứt bán đoạn, loại bằng thiệt nhưng thuê người khác học, đích thị là bằng giả; loại bằng thiệt chính hãng nhưng giá trị cái luận án tiến sĩ ấy với đề tài vô bổ. Và còn nhiều kiểu bằng giả như thiệt kỳ lạ khác.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nước ta có gần 11.000 GS, PGS nhưng chỉ có khoảng 4.440 GS, PGS đang làm công tác giảng dạy (chiếm hơn 40%). Số lượng tiến sĩ làm công tác giảng dạy cũng chiếm chưa đến 50% (gần 24.000 tiến sĩ thì có 16.514 đang làm công tác giảng dạy).
Điều đáng nói là có tới 50% GS, TS là công chức, viên chức, tập trung ở khu vực quản lý nhà nước. Nếu đây là những GS, PGS tiến sĩ thiệt thì nền khoa học nước nhà thiệt thòi, vì họ làm công chức, còn thời gian đâu làm nghiên cứu khoa học (?!).
Tuy nhiên, trong 50% GS, PGS, tiến sĩ là công chức đó, không chừng lại có nhiều cái bằng dỏm như của một số quan chức vừa bị phanh phui.
Ôi, văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở xứ ta có lẽ còn có nhiều chuyện cay đắng, cười ra nước mắt…
Bình luận (0)