Câu chuyện quá đau lòng! Tối 16-12, cháu T.T.D. (12 tuổi, gia đình ở tại tầng 22, tòa nhà S4, chung cư Goldmark City, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong.
Trong biên bản tử vong ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115 ghi theo lời khai nhận của gia đình, do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt nên em D. đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 xuống đất.
12 tuổi, tức cháu D. mới học lớp 6, chỉ là lớp đầu cấp 2, vẫn ở tuổi vừa học vừa chơi, không phải ở các lớp cuối cấp thường rất áp lực.
Những cái chết thương tâm như vậy đã từng xảy ra, rất nhiều nữa là khác. Có thể đây là một "hội chứng" của một số học sinh có tâm lý bị chao đảo khi có biến cố nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Khi cảm thấy không thể tâm sự, chia sẻ được với ai, các em có cảm giác không ai hiểu mình, chẳng ai chịu hiểu mình, "giải pháp" dại dột cuối cùng là cái chết thật thảm thương!
Không chỉ ở nước ta. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng có nhiều ca tương tự. Tại Nhật Bản, thường kết thúc đợt nghỉ hè dài ngày cũng là "mùa" tự tử của học sinh. Theo Japan Times, tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi tại nước này. Japan Times dẫn số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản năm 2015, từ năm 1972 đến 2013 những ca tự tử đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tập trung chủ yếu xung quanh ngày 1-9 hằng năm. Đây là thời điểm nhiều trường học ở Nhật bắt đầu học kỳ mới sau kỳ nghỉ hè khá dài, nhiều học sinh băn khoăn về việc học, học như thế nào, có vượt qua nổi áp lực, con đường tương lai...
Nguyên nhân nào trẻ tìm đến cái chết đau đớn như vậy? Đã có nhiều phân tích của các chuyên gia. Với trẻ vị thành niên, điều quan trọng nhất là gia đình. Nhiều lời khuyên của các chuyên gia mong gia đình đừng nên coi con mình là một "thiên tài", đừng đào tạo con mình trở thành "thiên tài". Đừng để lịch học tập của con còn dày đặc hơn lịch làm việc của ông bố hoặc bà mẹ bận rộn!
"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", là câu khẩu hiệu quen thuộc nhưng rất đáng suy ngẫm cho các bậc phụ huynh lẫn thầy cô giáo. Trên thực tế câu khẩu hiệu này rất khó thực hiện cả trong trường hợp học trực tiếp, đặc biệt khi mà các em ôm máy học online bất tận như thời gian dài vừa qua.
Học online kéo dài, cũng làm học sinh kiệt quệ về sức khỏe tâm thần. "Zoom fatigue" là một thuật ngữ mới trong "thời đại Covid-19", chỉ sự mệt mỏi và cảm giác kiệt sức sau những giờ học online kéo dài, đối mặt với màn hình cơ học, làm cho học sinh thiếu tương tác và cô lập xã hội.
Điều quan trọng nhất mà các chuyên gia tâm lý khuyên là các bậc phụ huy nên xem con em mình là bạn. Là bạn thật sự, là bạn thân, bạn chí thiết, để nắm bắt được tâm lý của trẻ, đặc biệt ở trẻ đang dậy thì, mới lớn.
Một vấn đề quan trọng khác là việc chạy theo thành tích học tập. Đây là trách nhiệm của nhà trường lẫn phụ huynh. Mà rất khó, hãy quan sát các kỳ tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là vào lớp 6 ở TP HCM chẳng hạn. Các trường THCS, nhất là các "trường điểm" thường lấy điểm đầu vào rất cao, không chỉ 2 môn Văn và Toán phải đạt điểm 10 (8, 9 điểm cũng thuộc hạng giỏi nhưng lại không đạt yêu cầu), mới có thể dự tuyển được. Thậm chí có trường yêu cầu học sinh phải… toàn điểm 10 - một yêu cầu cực kỳ phi lý - mà vẫn tồn tại trong nhiều năm qua. Cách tuyển sinh như vậy, làm sao học sinh, cả phụ huynh không bị áp lực!
Đã đến lúc, dù rất muộn, ngành giáo dục phải thay đổi cách tuyển sinh, cách đánh giá năng lực học sinh. Nếu chạy theo điểm số, sẽ là cuộc chạy đua "bằng mọi giá" gây áp lực từ mọi phía.
Với phụ huynh, đừng để con mình bơ vơ, hãy làm bạn với con em mình, để gần gũi chăm sóc sức khỏe tâm thần của con, đặc biệt trong lúc các em phải học online kéo dài.
Thực tế, để hạn chế những cái chết đau đớn như vậy là rất khó nhưng chẳng lẽ chúng ta bất lực? Cần hành động nhanh, hiệu quả và khoa học, để giành lấy các em về phía chúng ta!
Bình luận (0)