Thông tin về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi ông Vĩnh là một tướng lĩnh cấp cao của ngành công an, nhiều năm đứng đầu Tổng cục Cảnh sát – cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm quan trọng của Bộ Công an – lại trở thành tội phạm.
Vào cuối tháng 1-2018, trên các trang mạng xã hội xuất hiện thông tin cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh "dính" vào đường dây cờ bạc nhiều ngàn tỉ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, nhiều người đã bán tín, bán nghi.
Thế rồi, khi cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), một đơn vị thuộc Tổng cục Cảnh sát, bị khởi tố, bắt giam vì tiếp tay cho nhóm tội phạm tổ chức đường dây đánh bạc qua mạng nhiều ngàn tỉ đồng; bản thân tướng Vĩnh cũng bị mời lên Phú Thọ để trả lời một số nội dung liên quan đến vụ án này, thì sự thật không còn là tin đồn nữa mà dư luận chỉ còn hỏi "bao giờ ông Vĩnh bị bắt?".
Nghe câu hỏi đó, nhiều người cảm thấy xót xa!
Bởi lẽ, ông Vĩnh có một bề dày thành tích công tác đấu tranh phòng chống tội phạm: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Đại biểu Quốc hội khóa XII; trưởng ban nhiều chuyên án đặc biệt nghiêm trọng như vụ Lê Văn Luyện, vụ thảm sát ở Bình Phước, đặc biệt là vụ "bầu Kiên" và Lý Xuân Hải (ACB)...
Với một người từng có nhiều kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống tội phạm nhưng cuối cùng lại tha hóa đến mức trở thành tội phạm, bị khởi tố, bắt tạm giam, bị tước danh hiệu CAND, thử hỏi không xót xa sao được!
Tội trạng ông Vĩnh như thế nào sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, xét xử và làm rõ trong thời gian tới. Nhưng để khởi tố, bắt giam một người như ông Vĩnh, có lẽ các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã phải cân nhắc, đánh giá chứng cứ rất kỹ trước khi thực hiện các hoạt động tố tụng. Có một điều chắc chắn rằng, việc ông Vĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực và được dư luận đồng thuận.
Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã có những bước chuyển rất quan trọng. Tổng Bí thư đã từng tuyên bố "chống tham nhũng không có vùng cấm" và việc khởi tố, bắt tạm giam cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (và trước đây không lâu là khởi tố, bắt giam cựu Ủy viên BCT Đinh La Thăng) là một sự "bảo chứng" cho quyết tâm chính trị của Đảng, của Tổng Bí thư.
Thực thi "Nhà nước pháp quyền", mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai giữ chức vụ gì nếu vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật, không có khái niệm "vùng cấm". Chúng ta cần ủng hộ quan điểm này, bởi đó chính là sự văn minh trong thực thi pháp luật, là tinh thần cốt lõi trong một "Nhà nước pháp quyền".
Trở lại với vụ việc của cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh. Phải thừa nhận việc ông Vĩnh bị khởi tố, bắt giam là một mất mát rất lớn không chỉ cho cá nhân ông ta mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Nhưng có lẽ "trong cái rủi, có cái may", bởi đây cũng là cơ hội để lãnh đạo Bộ Công an làm trong sạch hóa bộ máy của mình, kiên quyết loại ra khỏi ngành những người không đủ tư cách khoác lên mình chiếc áo công an nhân dân.
Ngay trong ngày 6-4, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã ký ban hành công điện gửi công an các đơn vị, địa phương yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong công an nhân dân. Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ và yêu cầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện hàng loạt biện pháp, trong đó đáng chú ý là chủ động phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân; lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân, hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, "lợi ích nhóm",… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an.
Người đứng đầu ngành công an đã nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh, làm trong sạch hóa đội ngũ của ngành là một minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của ngành công an.
Cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy là một đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi niềm tin của người dân vào Đảng đang bị thử thách bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, tha hóa.
Bình luận (0)