Cụ thể hơn, Bộ Tài chính đưa ra phương án nhà ở hơn 700 triệu đồng hoặc hơn 1 tỉ đồng phải chịu thuế, mức thuế là 0,3% hoặc 0,4% phần giá trị vượt hơn "mức sàn" đó. Nhưng Bộ nghiêng về phương án chọn "mức sàn" để đánh thuế là 700 triệu đồng, còn thuế suất thì Bộ chọn mức trần, tức 0,4%.
Ví dụ, căn nhà trị giá 1,7 tỉ (tính theo giá thị trường) thì số tiền thuế phải đóng là: (1,7 tỉ - [trừ] 700 triệu) x 0,4% = 4 triệu (đồng).
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, lý giải tại buổi họp báo công bố dự án Luật Thuế Tài sản chiều 13-4 ở Hà Nội: Sở dĩ chọn "mức sàn" 700 triệu đồng là phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, còn chọn thuế suất 0,4% là để "phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm ổn định nguồn thu, giúp cân đối ngân sách".
Với tính toán nói trên, mỗi năm Bộ Tài chính thu ngân sách thêm từ 22.700 tỉ đồng đến 31.000 tỉ đồng.
Thưa ông vụ trưởng, chọn thuế suất để áp, các ông tính mức kịch trần, bảo là để "phù hợp thông lệ quốc tế", vậy các ông có so sánh thu nhập bình quân đầu người của dân Việt Nam với quốc tế hay không; có so sánh phúc lợi xã hội người dân Việt Nam được hưởng so với các quốc gia thịnh vượng hay không?
Và, tại sao phải đánh thuế nhà ở trong khi đây là nhu cầu thiết yếu của từng gia đình, hộ nào cũng cần có ít nhất một chốn cư trú cho một hoặc nhiều người?
Để mua được căn nhà, đại đa số người dân phải làm lụng và tích cóp cật lực. Thu nhập từ lao động của họ đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân rồi. Khi mua đất, phải đóng thuế đất. Lúc làm nhà, toàn bộ vật liệu xây dựng, nội thất, đồ gia dụng... đều phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT, tính trong giá mua hàng). Đến lúc có nơi ăn chốn nghỉ thì mỗi năm phải đóng thuế nhà ở nữa, thật vô lý hết sức!
Đó là chưa nói hàng triệu lao động thu nhập thấp - nhất là ở các đô thị - phải vay ngân hàng đến 70% giá trị nhà/căn hộ và thế chấp chính tài sản đó từ khi chưa hình thành để chờ được có chỗ ngả lưng, họ phải trả lãi suất khá cao và trong thời gian khá lâu rồi, cộng với biết bao khoản thuế kể trên, thử hỏi ai chịu cho nổi? Chính sách nhà giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ đổ gãy bởi những trận đòn thuế má như thế này và giấc mơ an cư lạc nghiệp sẽ tiếp tục xa vời với hàng triệu người lao động. Trước tình cảnh này, thêm gánh nặng từ thuế có phải vô cảm hay không!
Mà "mức sàn" - tức ngưỡng chịu thuế - mà các vị đưa ra là 700 triệu đồng, có khác nào chủ ý "lùa tất cả cá vô một lưới". Bởi vì bây giờ, nhà phố hay chung cư - như ở TP HCM và Hà Nội, đố các vị cầm 700 triệu đồng đi mua được nhà! Ít nhất cũng phải 1 tỉ đồng trở lên. Vậy là đủ hiểu quý Bộ muốn thu thuế chẳng sót một nhà nào!
Luật hiện hành chỉ đánh thuế đối với căn nhà từ thứ hai trở đi, nay Bộ Tài chính định không áp dụng nữa, mà đánh thuế ngay từ nhà ở đầu tiên. Ông Phạm Đình Thi nói rằng: Do có trường hợp người ta có 2-3 căn nhà nhưng trị giá của nó không bằng 1 căn to hơn, ở vị trí đắc địa hơn.
Xin nói với ông Thi, chuyện ông nêu là có trong thực tế nhưng ông cũng thừa biết ở Việt Nam hiện nay, đại đa số hộ dân chỉ có 1 căn nhà mà thôi; lượng người có 2-3 căn trở lên chắc chắn là thiểu số. Do vậy, chủ trương đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên là "đánh" vào số đông người dân, đó chính là tận thu, trái hẳn với nguyên tắc của thuế là công bằng và chính sách "khoan thư sức dân" mà nhà nước thường kêu gọi.
Dự luật này còn phải đưa ra lấy ý kiến. Mong rằng Bộ Tài chính sẽ nhận được thật nhiều góp ý thực sự chứ không phải chỉ có 60 ý kiến phản hồi khi trưng cầu về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng (từ 3.000 đồng/1 lít lên 4.000 đồng/1 lít) hôm trước và 40 ý kiến trong số đó là "đồng thuận", như Bộ phấn khởi công bố.
Sau đề xuất tăng hàng loạt sắc thuế gây bất mãn, trong đó có VAT từ 10% lên 12%, rồi đến tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung, vẻ như Bộ Tài chính đang thừa thắng xông lên với đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở (và ô tô). Những cán bộ làm chính sách thuế cũng là con người, đâu phải cái máy thu tiền. Và sức dân thì có hạn, đâu phải là cái máy in tiền!
Thăm dò ý kiến
Bạn có đồng tình với đề xuất đánh thuế nhà ở 0,4% của Bộ Tài chính?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)