Trong khi đó, giải thích với báo chí, NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị ĐỘC QUYỀN - in và phát hành SGK - nói tình trạng khan hiếm chỉ xảy ra "cục bộ" (!) và sở dĩ như vậy là do năm nay lượng học sinh tăng đột biến và vì các công ty sách và thiết bị trường học địa phương dè dặt đặt hàng (bởi sợ nội dung SGK sang năm có thay đổi, hàng tồn sẽ không bán được).
NXB này cho biết đến nay đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Vượt kế hoạch mà thực tế vẫn khan hiếm thì chứng tỏ kế hoạch do NXB xây dựng sai lệch với nhu cầu thực tiễn. Nói cách khác, đơn vị độc quyền in ấn và phát hành SGK chỉ chăm chăm cho lợi ích kinh tế của mình, còn nhu cầu học tập của học sinh là thứ yếu. Trong khi đó, ai cũng hiểu SGK là "mặt hàng" đặc biệt, không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích kinh tế.
Phụ huynh và học sinh muốn tìm sách của NXB khác cũng không có. Các NXB khác muốn chen chân và lĩnh vực này cũng đâu có được.
Gốc rễ của câu chuyện là do nạn ĐỘC QUYỀN. Từ 20 năm nay, NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo - được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định độc quyền biên soạn, in ấn và phát hành SGK.
Cái sự ĐỘC QUYỀN gây ra quá nhiều hệ lụy mà ai cũng đã thấy, như chỉ độc nhất một bộ SGK nên phải mua "nó", không có lựa chọn nào khác; trong sách viết gì, bảo dạy như thế nào thì giáo viên và học sinh cả nước răm rắp làm theo thế ấy; giá bán sách bao nhiêu phải mua bấy nhiêu... Như thế là phi quy luật thị trường, phi cạnh tranh. Không có cạnh tranh thì không bao giờ có sản phẩm tốt. Sản phẩm độc quyền thường không đáng tin cậy.
Không đáng tin cậy mà buộc phải mua, mua với bất cứ giá nào, đó là sự tồi tệ cho chính sách về SGK gây nên và bắt phụ huynh, học sinh phải lãnh đủ. Bây giờ, học sinh mua SGK chẳng khác nào người bệnh đi mua thuốc tây. Đắt cỡ nào cũng phải mua, không được trả giá và không bảo đảm hiệu quả của mặt hàng. Còn bên bán thì tha hồ hốt bạc, như NXB Giáo dục, chẳng phải cạnh tranh với ai, cứ thế mà thu bộn.
Độc quyền biên soạn, độc quyền in ấn, độc quyền phát hành mà vẫn để thiếu sách thì hỏi sao không bị thiên hạ bỉ bôi.
Chúng ta hội nhập quốc tế, đòi bạn bè và đối tác quốc tế công nhận chúng ta là kinh tế thị trường thì trước hết chúng ta phải cắt bỏ ung nhọt độc quyền ngay trên "cơ thể" mình. Thực tế cho thấy nhiều lĩnh vực kinh tế độc quyền đã được xóa bỏ nhưng ngay trong lĩnh vực giáo dục lại vẫn có một "ông độc quyền" to tướng, tồn tại hàng chục năm. Điều đó cho thấy nói không đi đôi với làm. Vì sao vậy? Bởi vì lợi ích vật chất quá lớn từ bán sách mang lại.
Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành cuối năm 2014 nêu rõ: Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK (...); Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (đang bàn) cũng có nội dung hướng tới phá vỡ độc quyền SGK. Và để xã hội hóa, phải chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng xong khung chương trình giáo dục phổ thông mới, theo kế hoạch là 2018-2019 hoàn tất.
Đã gần 20 năm chịu cảnh độc quyền SGK, giờ phải chờ thêm nữa, mỏi mòn, nay đã sắp hết 2018 mà chưa thấy đâu. Theo quy luật, độc quyền cản trở sự phát triển. Đây cũng chính là câu trả lời vì sao hàng chục năm qua chất lượng giáo dục ở ta cứ mãi phập phù...
Bình luận (0)