Năm 1990, nhà tôi đã treo ảnh lịch Lý Thu Thảo, lên ngôi trong cuộc thi hoa hậu tổ chức một lần duy nhất (năm 1989), đẹp ngời ngời.
Xét đến bây giờ, Hoa hậu Việt Nam là giải thưởng danh giá, có thể nói là danh giá nhất trong số các đấu trường sắc đẹp có người đẹp trong nước tham gia. Trải qua gần 30 năm, từ 1989 đến nay, Hoa hậu Việt Nam giờ đây không còn thuần túy là sân chơi của riêng sắc vóc nữa mà là nơi để thể hiện và chia sẻ tri thức, trí tuệ và tinh thần nhân văn, hướng về cộng đồng, vì cộng đồng. Nói một cách khái quát, đó là một chương trình văn hóa đáng trọng.
Chính vì ý nghĩa như vậy nên những người đẹp được tôn vinh luôn đảm đương một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản nhưng đó thật sự là trọng trách: vừa giữ gìn hình ảnh bản thân vừa bảo vệ uy tín của cuộc thi. Làm tròn vai được nhiệm vụ này trong suốt nhiều năm quả là thử thách lớn đối với những đôi vai liễu yếu đào tơ, nhất là những gương mặt trẻ chưa có nhiều vốn sống.
Tinh thần nghiêm túc và giá trị cao cả của cuộc thi này cùng với sự khắc kỷ của dư luận chính là khuôn thước để các hoa hậu "gìn vàng giữ ngọc". Các nhà tổ chức những cuộc thi nhan sắc khác cần phải nhìn vào đây để tham khảo, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Sở dĩ nói như vậy là bởi có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức trong nước hoặc ở nước ngoài có sự tham gia của rất đông kiều nữ Việt Nam. Cho đến bây giờ, danh hiệu hoa hậu các loại nhiều vô kể, cho thấy sức hấp dẫn tột bậc của nó. Ngay cả như con bé nhà tôi khi mới lên 6, được hỏi sau này lớn lên con muốn làm gì, cháu đã bảo: "Sau này con muốn làm hoa hậu!".
Nhiều đến nỗi người ta không thể nhớ hết tên, nhầm lẫn cuộc thi này với cuộc thi khác. Như chỉ trong 30 ngày cuối năm 2017, có cả chục cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ của Việt Nam và quốc tế diễn ra với sự góp mặt của các người đẹp nước ta. Và hoa hậu, hoa khôi, á hậu, á khôi... cũng từ đó mà "ra lò" không đếm xuể, không thể nào nhớ mặt quen tên.
Hẳn nhiên, cái gì cũng vậy, nhiều quá thì trở nên bình thường, nhàm, mất giá, thậm chí vô bổ. Cũng vì vậy mà dư luận và cơ quan quản lý không thể theo dõi, giám sát hết còn không ít nhà tổ chức thì xong "cuộc chơi" rồi thôi, buông lỏng, bỏ bê, chẳng chịu trách nhiệm gì. Từ đó phát sinh vô vàn hệ lụy.
Thực tế đã diễn ra như chúng ta đã thấy. Các người đẹp ở những cuộc thi không được tổ chức và giám sát tốt đã dính líu vào hàng loạt xì-căng-đan, nặng nề nhất là bán dâm "ngàn đô", bị bắt quả tang và xử phạt hành chính. Ê chề lắm. Càng có ngôi vị, càng ê chề!
Ê chề nhưng người đi sau vẫn giẫm lên vết xe đổ của người đi trước. Nhà tổ chức dù sau đó ra quyết định tước vương miện hay danh hiệu thì cũng chỉ là chuyện đã rồi. Qua những sự vụ như vậy, các cuộc thi sắc đẹp bị đánh giá tiêu cực, bỉ bôi... Có lửa mới có khói chứ!
Dù vậy, người ta vẫn "sồn sồn" tổ chức các cuộc thi nhan sắc, đủ mọi tầm cỡ, thể dạng và đối tượng. Từ đó dẫn đến sự hoài nghi của thiên hạ về mục đích của các cuộc thi, mục đích của các chân dài dự thi. Có khi "ác mồm", bảo: Thi để định giá!?
Người ta có lý khi đặt vấn đề như vậy và góc nhìn của người ta là không sai. Xua tan hoài nghi đó là trách nhiệm của các nhà tổ chức và chính các người đẹp. Để xảy ra bê bối là do những người trong cuộc đã không giám sát tốt, đã không biết "giữ mình". Đừng trách ai cả, đừng mắng dư luận "độc miệng độc mồm"!
Sắc đẹp được tôn vinh, kèm theo đó là niềm tin được gửi gắm. Giai nhân được trân trọng nhưng cũng bị soi xét rất khắt khe, bởi họ còn là hình ảnh đại diện của phụ nữ Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Vì thế, hỡi các hoa hậu, hoa khôi, á hậu, á khôi..., hãy luôn biết phải làm gì để xứng với cái danh; và để sau này khi lập gia đình, sinh con còn được nghe chính đứa con của mình mơ ước "sau này, con muốn trở thành hoa hậu" mà cảm thấy nở mày nở mặt...!
Bình luận (0)