Mới đây, tỉnh Hà Giang đề xuất trung ương cấp tiền xây mới trụ sở trung tâm hành chính với vốn đầu tư dự kiến ban đầu hơn 1.000 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời "không còn tiền", đồng thời góp ý rằng Hà Giang là tỉnh miền núi còn rất nghèo, thuộc diện nghèo nhất nước, lại đang nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn, vì thế không nên xây trụ sở ngàn tỉ.
Chẳng biết lãnh đạo tỉnh này nghĩ gì mà gửi lên trung ương đề xuất nói trên. 6/11 huyện của tỉnh còn đang trong diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 50,18%. Hà Giang cũng là tỉnh thường xuyên nhận gạo Chính phủ hỗ trợ cứu đói cho dân. Đợt Tết Mậu Tuất vừa qua, Hà Giang xin tới 340 tấn gạo để dân ấm bụng dịp năm mới.
Đáng nói, cả năm 2017, Hà Giang thu ngân sách hơn 1.600 tỉ, năm 2018 này cũng chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn 2.100 tỉ; trong khi đó, tổng chi ngân sách của tỉnh này năm nay dự kiến lên tới hơn 11.400 tỉ. Để có tiền mà chi, phải nhờ tới sự phân bổ ngân sách từ trung ương với 9.800 tỉ (80%). Phần lớn là chi cho... bộ máy, vậy mới đau!
Nếu trừ đi các yếu tố khách quan, chỉ nhìn vào con số thu - chi ngân sách thì thấy được mức độ hiệu quả của bộ máy lãnh đạo tỉnh này như thế nào. Ấy vậy mà vẫn tiếp tục ngửa tay xin tiền xây trụ sở mới cho thật hoành tráng, bất chấp dân chưa đủ no, trò chưa đủ ấm. Làm lãnh đạo mà chỉ biết nhìn ngang và nhìn lên, không chịu nhìn xuống dân chúng thì muôn đời chúng dân không bao giờ ngóc đầu lên nổi. Đó cũng là một dạng thức vô cảm khá phổ biến ở chốn quan trường.
Tiền ngân sách, dù chỉ một xu, cũng là từ sức dân, huống gì là hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ, hàng chục ngàn tỉ... Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có đề án xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi phục vụ đổi mới kỳ thi THPT quốc gia từ nay đến năm 2020, tổng chi khoảng 750 tỉ đồng. Mục tiêu đặt ra đối với ngân hàng câu hỏi này chỉ là "chuẩn hóa đủ lớn, nâng cao độ phân hóa". Nếu nhìn vào sự loay hoay của "Bộ Thi" hàng chục năm qua thì chẳng ai tin đề án này sẽ đem lại hiệu quả. Còn nếu biết thêm rằng từ năm 2020 trở đi, việc thi cử sẽ thay đổi nữa, tức đề án này không còn tác dụng, thì có thể khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo đang "đốt" tiền.
Công tử Bạc Liêu năm nào "đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu" cũng không đến mức tiêu hoang vô tội vạ như vậy, dù sao đó cũng là tiền cá nhân. Còn đây, đề án 750 tỉ này, là tiền ngân sách!
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước và báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cũng nêu nhiều con số nhức nhối. Theo đó, tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách nhà nước 859 tỉ đồng... Hàng loạt tỉnh - thành chi sai mục đích từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng. Các doanh nghiệp con cưng quốc doanh né thuế khoảng 19.000 tỉ đồng. Vô số dự án bị đội vốn so với dự toán ban đầu, trong đó "khủng" nhất phải nhắc tới dự án chỉnh trang bờ sông Sào Khê ở tỉnh Ninh Bình, ban đầu tính 72 tỉ, nay tính lại thì lên... hơn 2.500 tỉ, gấp 36 lần!
Nhìn vào bức tranh này, thử hỏi ai mà không bức xúc. Kiểm soát, giám sát công khố lỏng lẻo làm thất thoát, thiệt hại và gây nguy cơ thua lỗ nhãn tiền như vậy, làm sao không bội chi, không tăng nợ công. Nước nghèo mà vẫn chi bạt mạng, thế đấy!
Và càng lo hơn khi Bộ Tài chính vẫn tiếp tục sử dụng công cụ cơ học: hụt thu chỗ này thì tăng thu nguồn khác, bất chấp sức dân có hạn. Tăng thuế quá nhanh và quá nhiều hôm nay có thể giúp cân đối thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng về lâu dài cái giá phải trả sẽ đắt hơn gấp bội. Phải chi ai cũng biết xót từng đồng ngân sách, chi đúng chỗ, đúng mục đích và có hiệu quả thì đâu cần tăng thu thuế làm gì.
Nếu không làm gì có lợi cho nước, cho dân thì tốt hơn là... không làm gì để khỏi gây thua lỗ, thất thoát. Làm ơn đi!
Bình luận (0)