Huy Hùng ghi bàn thắng đầu tiên trong trận chung kết lượt đi giữa tuyển Việt Nam và Malaysia
Trước trận chung kết lượt đi AFF Cup với Malaysia, đã có vài doanh nghiệp hứa thưởng cho cả đội tuyển Việt Nam cũng như cho cá nhân, trong đó có giải thưởng 1 tỉ đồng cho cầu thủ ghi bàn thắng đầu tiên trên sân khách.
Chuyện khen thưởng là vấn đề khá tế nhị. Riêng với bóng đá, môn thể thao tập thể thì những phần thưởng mang tính cá nhân lại càng phải cân nhắc và tính toán thật kỹ hơn nữa khi đó là những phần thưởng đột xuất.
Chúng tôi đã nhận rất nhiều ý kiến qua tin nhắn trên mạng xã hội cũng như điện thoại trực tiếp đến tòa soạn phản ánh về hiện tượng một doanh nghiệp đưa ra mức thưởng 1 tỉ đồng cho cầu thủ Việt Nam ghi bàn đầu tiên trong trận chung kết lượt đi AFF Cup. Không ít người phản ứng tiêu cực trước cách thưởng như thế này.
Tại sao? Vì cách treo thưởng đó chỉ kích thích thêm sự phấn khích, tranh đua với mục đích cá nhân thay vì mục tiêu tối thượng là vì cả đội bóng. Đó là chưa tính đến sự công bằng. Thủ môn gần như không có cơ hội nhận giải thưởng này, còn tỉ lệ đoạt giải thưởng sẽ giảm dần theo các vị trí tiền đạo, tiền vệ và hậu vệ.
Cùng với Huy Hùng, Đức Huy (số 15) giúp tuyển Việt Nam có trận hòa 2-2 trước Malaysia
Với bóng đá thế giới, đặc biệt là đối với các nền bóng đá chuyên nghiệp, chuyện tiền thưởng rất rõ ràng và gần như không có thưởng đột xuất, thưởng theo cảm tính. Với họ, trước khi bước vào giải, các cầu thủ đã biết rõ mức thưởng dành cho họ như thế nào. Thậm chí LĐBĐ quốc gia sẽ có cuộc làm việc với HLV và các cầu thủ đại diện đội tuyển để thống nhất số tiền thưởng và cách chia tiền thưởng.
Ngay như bóng đá Malaysia, đối thủ của Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup, cũng đưa ra quan điểm rất rõ ràng về tiền thưởng. Trước thông tin đội Việt Nam nhận được tiền thưởng đột xuất ngay sau khi vào chung kết, Chủ tịch LĐBĐ Malaysia đã tuyên bố mục tiêu của đội tuyển Malaysia là vô địch, chuyện tiền thưởng nói sau.
May mà, trong trận hòa 2-2 ở chung kết lượt đi đã không xảy ra những hình ảnh xấu: các cầu thủ Việt Nam tranh nhau dứt điểm và không chuyền bóng khi đồng đội ở những vị trí thuận lợi hơn để ghi bàn. Trong tất cả các tình huống bỏ lỡ ghi bàn của Đức Chinh, Quang Hải, Văn Đức hay Tiến Linh đều là kết quả từ các pha phối hợp đồng đội rất đẹp, đáng tiếc là từng cá nhân đều không thể chuyển cơ hội thành bàn thắng.
Bóng đá là môn thi đấu tập thể cần có sự công bằng trong khen thưởng
Cho đến lúc này, chúng ta cần khẳng định, đội tuyển quốc gia hiện nay là tập thể tốt nhất về nhiều mặt cả trong lẫn ngoài sân cỏ của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, chúng tôi muốn cảnh tỉnh sự phấn khích của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ xuất phát từ mục đích tốt nhưng đôi khi lại quên "tác dụng phụ".
Phần thưởng chỉ là những thứ "cộng thêm" nhưng không phải là tất cả. Của cho không bằng cách cho là vậy.
Bóng đá Việt Nam đang trên con đường hướng đến chuyên nghiệp nên những gì liên quan và tác động đến môi trường bóng đá cũng rất cần hướng đến sự chuyên nghiệp.
Đội U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á 2018 ở Thường Châu (Trung Quốc) là ví dụ. Cứ thi đấu tốt là xã hội không quên. Do đó, đừng biến những viên thuốc bổ khen thưởng thành "độc dược".
Bình luận (0)