Sau những bằng chứng xác thực do phóng viên Báo Người Lao Động cung cấp bằng nghiệp vụ điều tra (mời bạn đọc xem các link bài liên quan), ngày 7-11, ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM) đã chỉ đạo đình chỉ công tác đối với ông Phạm Nguyên Vũ (tổ phó Tổ Thu phí đậu ô tô, Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1), đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND quận 1 xem xét chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý hành vi sai phạm.
Dù chưa thể nói trường hợp ông Vũ là cá biệt hay phổ biến song chúng ta phải khẳng định ngay rằng nhìn nhận của ông Đoàn Ngọc Hải trước đây về nạn bảo kê vỉa hè là chính xác. Tám tháng trước, về tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè ở quận 1, ông Hải đánh giá: "Bảo kê vỉa hè là có thật. Vấn đề là chưa phát hiện ra thôi".
Chưa ai và không ai phát hiện ra, nay Báo Người Lao Động phát hiện giùm rồi, các cơ quan chức năng hãy xử lý đi! Xử đích đáng để làm gương, để răn đe những con sâu nhúng chàm mà chắc chắn đang còn trốn trú đâu đó trong lực lượng thực thi công vụ.
Nỗi đau lớn nhất trong vụ này không phải là mất người mà là nỗi đau về niềm tin. Bởi con sâu đội lốt cán bộ - nhân viên ấy chẳng ở đâu xa, cũng không phải ở dưới phường, mà nằm ngay trong Đội Quản lý Trật tự đô thị quận, làm "nội gián", trước khi "tư lệnh" dẫn quân đi thì "lính" trong nhà báo tin cho bên ngoài ứng phó. Quá đau!
Khi đồng đội bị bán đứng, bị "đâm sau lưng chiến sĩ" thì nội bộ nghi kỵ lẫn nhau đã đành; người dân từ ngoài nhìn vào cũng đổ vỡ niềm tin đối với lực lượng chức trách công. Họ có quyền đặt nghi vấn: Có phải cách đây vài tháng, hàng loạt cán bộ - nhân viên trật tự đô thị các quận xin nghỉ việc là vì vỉa hè không còn là mảnh đất béo bở để kiếm chác (sau các đợt ra quân) hay không?
Sau vụ này, hẳn chúng ta cảm thấy thấu cảm và chia sẻ sâu sắc hơn với ông Đoàn Ngọc Hải và chính quyền quận 1. Bao nhiêu nhiệt huyết, công sức, quyết tâm của toàn hệ thống trong quận nhằm tạo sinh không gian sống tốt hơn cho cộng đồng lại bị cá nhân tha hóa làm phai mờ.
Chuyện như thế khiến chúng ta nhớ lại truyền thuyết vua cha An Dương Vương vung gươm chém đầu con gái Mỵ Châu bởi cô công chúa nối giáo cho kẻ thù ngoại bang, bị thần Kim Quy chỉ đích danh là "giặc ở sau lưng bệ hạ đó!". Nhớ tích cũ để thấy rằng sự minh triết của người xưa là bài học quý cho hậu thế về sự cảnh giác. "Giặc" không chỉ ở sau lưng, "giặc" ở trước mặt mình, ngay trong hàng ngũ của mình.
Và, vào những ngày mưa lũ tang thương ở Nam Trung Bộ và Trung Bộ này, chúng ta còn bắt gặp một thứ "giặc" khác, quen mặt nhưng rất tàn nhẫn, đó là "giặc" xả lũ thủy điện! Đóng góp của thủy điện cho nền kinh tế là không thể phủ nhận song thiệt hại kinh khiếp mà nó gây ra, trong đó có xả lũ và phá rừng, cũng phải thẳng thắn điểm mặt. Giữa lúc hàng triệu cư dân hạ du đang lóp ngóp trong lũ lụt do mưa lớn kéo dài sau bão thì hết thủy điện này đến thủy điện kia thi nhau xả nước xuống, sống sao nổi! Bao nhiêu lời kêu gào về việc chấm dứt phát triển thủy điện thượng nguồn đã thấu trời xanh nhưng dường như lại không lọt vào bên trong cánh cửa cần gõ, để rồi mỗi khi thiên nhiên cuồng nộ, người dân gánh cả mọi tang thương. Tả lại cảnh người dân sơ tán tránh nước lũ thủy điện như chạy giặc thời chiến tranh tao loạn, một người bạn của tôi là nhà văn - nhà báo đang sống ở miền Trung thốt lên cay đắng trên trang cá nhân ngày hôm qua: "Giá thành thủy điện là bao? Từng phen lũ lụt xả vào người dân"!
Giữa những phủ quan kiểm lâm lạnh lùng mọc lên bề bề từ hàng chục, hàng trăm khối gỗ quý và bao phận dân chấp chới trong cơn đại hồng thủy có liên quan gì nhau chăng? Hỏi thôi, không cần câu trả lời.
Hãy đi về những vùng rốn lũ để thấy trên từng vành tang trắng hôm nay bời bời hiển hiện một nỗi phẫn uất khôn cùng về thứ "giặc" đang nhơn nhơn trước mặt - xả lũ và phá rừng.
Đã biết "giặc" ở đâu rồi đó nhưng ai thay vua cha An Dương Vương vung lên đường gươm nghiêm trị vào lúc này?
Bình luận (0)