Đó là trường hợp Mumuso và Con Cưng, cùng bị cáo buộc hoặc bị nghi vấn bán hàng kiểu "hồn Trương Ba, da hàng thịt", lừa lọc khách hàng.
Theo quảng cáo của Mumuso tại Việt Nam (ví dụ như "Mumuso; Giá chỉ từ 22.000; KOREA") thì sản phẩm của công ty này có xuất xứ Hàn Quốc. Tuy nhiên, kiểm tra 2.273 loại hàng hóa được đăng ký kinh doanh bởi Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam, Bộ Công Thương phát hiện 2.257 mặt hàng (99,3%) được nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần còn lại được mua tại các đơn vị khác trong nước.
Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương cho biết nhãn hiệu Mumuso được đăng ký bởi Công ty TNHH Mumuasork có địa chỉ tại Seoul (Hàn Quốc). Công ty này sử dụng nhãn hiệu Mumuso theo ủy quyền của Mumuso Thượng Hải. Và tại Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.
Trước giờ, người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng rằng sản phẩm do Mumuso bán được nhập từ Hàn Quốc, nay thì té ngửa. Ấy là bởi thương hiệu này mập mờ quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa, qua đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam về cạnh tranh.
Một thương hiệu đình đám khác là Con Cưng - chuỗi siêu thị đồ dùng mẹ và bé này mới 7 năm thành lập đã sớm lớn mạnh với gần 320 cửa hàng trên toàn quốc hiện nay, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỉ đồng.
Mới đây, một khách hàng tại TP HCM đã khiếu nại Con Cưng vì phát hiện bộ quần áo mua từ cửa hàng Con Cưng có dấu hiệu cắt tem mác (xuất xứ Thái Lan) và thay thế bằng tên đại diện của cửa hàng là CF, tức Con Cưng Fashion.
Xuất xứ hàng hóa trong chuỗi của Con Cưng là "Made in Thailand". Sự cố của khách hàng nói trên ngay lập tức khiến người ta nghĩ tới một phiên bản của Khaisilk treo đầu dê - bán thịt chó. Chủ thương hiệu này ngay lập tức phát đi thông cáo, loan báo rằng Con Cưng có toàn bộ chứng nhận sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan với 100% nguyên liệu từ Thái Lan và các nước ASEAN. Sản phẩm bị nghi thay mác nói trên nằm trong lô hàng được sản xuất bởi Công ty International Incorporated (Thailand) Co., Ltd, tại Thái Lan. Lỗi xảy ra là do công ty đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng. Con Cưng đã thu hồi sản phẩm và rà soát lại toàn bộ quy trình... v.v.
Người tiêu dùng thông minh tin Con Cưng hay không thì tùy nhưng rõ ràng từ sự vụ này thấy rằng quyền lợi "thượng đế" đã không được tôn trọng. Còn bao nhiêu trường hợp như thế nữa? Và sự thật có phải như ông chủ Con Cưng giải thích?
Nên nhớ, xì-căng-đan Khaisilk cũng là từ tố giác của khách hàng và trước sự thật không thể chối cãi, ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu Khaisilk - đã cúi đầu xin lỗi và thú nhận Khaisilk đã nhập lụa Trung Quốc về bán gần 30 năm qua, rồi sau đó cơ quan chức năng kết luận trong sản phẩm Khaisilk không có thành phần nào gọi là "lụa"!
Cục QLTT đang vào cuộc vụ Con Cưng và cho biết sẽ tổng kiểm tra hệ thống cửa hàng thuộc thương hiệu này trên toàn quốc.
Nói thật, chẳng lẽ lại chê QLTT vô tích sự. Hầu hết các vụ, các ông chỉ đi sau người tiêu dùng, chờ họ phát hiện, lên tiếng rồi mới nhảy vào kiểm tra. Trong khi đó, chức năng của QLTT là ngăn ngừa, phát hiện và xử lý hàng gian, hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái. Tai mắt QLTT "dữ dằn" lắm mà sao trong vụ Khaisilk và nay là Con Cưng thì lại khiếm thính hay mù màu một cách khó hiểu vậy, để gian thương bóp còi qua mặt quá dễ dàng?
Chí sĩ Lương Văn Can, người thầy của giới doanh thương Việt Nam, dạy rằng đạo kinh doanh là phải TRUNG THỰC và HIẾU NGHĨA. Khaisilk, Mumuso và sắp tới nếu Con Cưng bị bóc mẽ cũng như vậy, thì có lẽ nào chỉ 4 chữ thôi mà các ông bà chủ doanh nghiệp lắm tiền lại không được học để làm người kinh doanh tử tế hay sao?
Quyền lực của thương hiệu nằm trong tay người tiêu dùng chứ không phải trong ý chí của kẻ kinh doanh lừa lọc, lắm mưu nhiều kế, dám phản bội ngay cả ân nhân của chính mình!
Bình luận (0)