Hình ảnh từ clip tố 2 sĩ quan CSGT Đồng Nai bảo kê xe quá tải
Vụ CSGT ở Đồng Nai tố cấp trên bảo kê xe quá tải không còn là nghi vấn mà chính thức được Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an xác nhận trong cuộc họp báo chiều 24-12.
Danh tánh, số lần can thiệp, bảo kê phương tiện vi phạm cũng đã được thông tin đầy đủ. Hai nhân vật đứng ra can thiệp là trung tá Phạm Hải Cảng, Đội trưởng Đội CSGT số 2 và trung tá Phan Cẩm Tú, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Trung tá Cảng đã gọi điện can thiệp việc xử lý 10 trường hợp vi phạm, trung tá Tú đã can thiệp không xử lý 6 trường hợp phương tiện vi phạm.
Như vậy, việc dư luận râm ran chuyện xe vi phạm được bảo kê, can thiệp không còn là nghi vấn nữa mà có bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Hành vi can thiệp, yêu cầu cán bộ chiến sỹ thuộc cấp bỏ qua cho xe vi phạm của ông Tú, ông Cảng là hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện cho phương tiện vi phạm tiếp tục lưu thông trên đường.
Từ lâu, xe quá tải, quá khổ, xe tải, xe ben chạy bạt mạng trên đường đã gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, làm tan thương bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người chết oan dưới bánh xe quá khổ, quá tải, quá tốc độ. Hơn ai hết, CSGT như ông Cảng, ông Tú được nhà nước trao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn giao thông trên đường quá hiểu và biết rất rõ nguy cơ, tiềm ẩn tai nạn giao thông của những chuyến xe quá tải, quá tốc độ. Vậy tại sao họ biết mà cố tình can thiệp để cán bộ thuộc quyền không xử lý mà còn cho tiếp tục lưu thông trên đường? Các đoạn video clip mà cán bộ CSGT Đồng Nai tố cáo cho thấy có dấu hiệu những xe được can thiệp bỏ qua có "đóng hụi chết hàng tháng". Như vậy, sự can thiệp này có dấu hiệu vì lợi ích vật chất, hay nói cách khác có động cơ vụ lợi (?!).
Hành vi của hai ông Cảng, Tú có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Theo đó, nếu chứng minh được hai ông này có hành vi can thiệp để cấp dưới bỏ qua vi phạm của phương tiện lưu thông trên đường và có nhận lợi ích vật chất từ chủ xe hoặc tài xế thì có dấu hiệu tội phạm hình sự chứ không đơn thuần là vi phạm hành chính, vi phạm quy định của ngành.
Theo điều 358 Bộ luật hình sự 2015, quy định về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" là hành vi trực tiếp hay qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ. Lợi ích vật chất mà người có hành vi vi phạm nhận là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự.
Vì vậy, để làm rõ ông Cảng, ông Tú có dấu hiệu "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" đến mức xử lý hình sự hay không thì xác minh, điều tra, cần thiết thì khởi tố vụ án để thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Đội CSGT số 2 Đồng Nai cũng còn một vụ việc bị tố cáo "ăn chặn những khoản tiền bồi dưỡng, chế độ cho cán bộ, chiến sĩ không đúng quy định" với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết theo xác minh là có 2 loại tiền. Trong đó, tiền chế độ cán bộ chiến sĩ, tổng số tiền 1,4 tỉ đồng, khi nhận về các đồng chí này không phát cho cá nhân mà để lại sử dụng chung trong đơn vị như: Tiền điện, nước, ăn, hiếu hỉ… Số tiền bồi dưỡng tham gia kiểm dịch được 63 triệu đồng, đã tiếp nhận, quản lý 27 triệu đồng cũng không phát theo quy định mà giữ lại sử dụng chung trong đơn vị. Việc sử dụng tiền của cán bộ, chiến sỹ đúng, sai, có dấu hiệu tội phạm hay không cũng cần được điều tra làm rõ.
Như vậy, một số nội dung mà cấp dưới tố cáo lãnh đạo đội CSGT số 1, số 2 thuộc Công an tỉnh Đồng Nai đã được kết luận là có. Dư luận đang chờ lãnh đạo Bộ Công an có những bước chỉ đạo quyết liệt tiếp theo, cần khởi tố để làm rõ và trả lời trước dư luận về những sai phạm nêu trên của CSGT Đồng Nai.
Bình luận (0)