Lực lượng công an khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: M.H.
Vụ án "Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Giả mạo trong công tác" xảy ra tại 9 trung tâm đăng kiểm ở TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre gây rúng động dư luận đang được mở rộng điều tra. Chiều 28-12, lực lượng chức năng đã thực hiện lệnh khám xét tại Cục Đăng kiểm Việt Nam - Cơ quan "đầu não" của hệ thống đăng kiểm toàn quốc.
Mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm đó là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải. Điều này cũng nhằm giúp giảm, tránh gây rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường trường cho tất cả mọi người.
Đây là trách nhiệm lớn nhất của hệ thống đăng kiểm hiện nay trong bối cảnh phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, tình hình tai nạn giao thông còn rất nghiêm trọng.
Với các trung tâm đăng kiểm, chốt chặn an toàn này hoạt động càng nghiêm túc, càng khắt khe tuân thủ tuyệt đối quy định thì giao thông càng an toàn. Ngược lại, chỉ cần lơi lỏng, du di thì những chiếc xe mất an toàn sẽ ra đường, và khi đó nó chính là những "hung thần" có thể gây tai nạn, cướp đi sinh mạng của người khác bất cứ lúc nào.
Con số gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta mỗi năm càng đòi hỏi phải nghiêm khắc kiểm soát an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông. Đăng kiểm đóng vai trò quan trọng nhất trong công tác trên, nên mỗi chứng nhận của cơ quan này chính là giấy thông hành an toàn cho phương tiện ra đường.
Thế mà hỡi ôi - họ - chính những người giữ chốt chặn an toàn lại nghiễm nhiên nhận tiền để dễ dàng thông qua cho những chiếc xe nguy hiểm ra đường. Điều này có khác nào gián tiếp uy hiếp đến tính mạng của người khác. Tiền hối lộ mà họ nhận có thể lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng làm sao có thể so sánh được với bao nhiêu sinh mạng đang đối diện hằng ngày với những hung thần mà họ đã cấp chứng nhận.
Mà nào phải ít, trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra đã xác định hàng loạt trung tâm đăng kiểm nhúng chàm, liên quan đến khoảng 70.000 phương tiện liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Câu chuyện tiêu cực trong đăng kiểm thực ra chẳng phải là bí mật gì. Nó được truyền miệng và chỉ bảo nhau thực hiện trong giới tài xế nhiều năm qua. Thậm chí khi đến một số trung tâm đăng kiểm, lúc nào cũng có đội ngũ cò mồi hướng dẫn và ra giá cụ thể. Những vấn đề này lặp đi lặp lại đến nỗi đã trở thành bình thường với giới tài xế. Họ không lạ gì nhưng các cơ quan chức năng lại không hề biết.
Con số hàng chục trung tâm đăng kiểm từ 6 tỉnh, thành phố đang bị điều tra cho thấy nạn này đã xảy ra có hệ thống. Và nay, khi cơ quan điều tra lần tới Cục Đăng kiểm Việt Nam thì cũng không khó để hình dung mức độ nghiêm trọng của vấn đề này đến đâu.
Nhận tiền rồi thản nhiên cấp giấy chứng nhận cho những chiếc xe mất an toàn không chỉ là chuyện đưa và nhận hối lộ. Đằng sau nó là viễn cảnh kinh hoàng nếu những phương tiện trên gây tai nạn giao thông: Đó là bi kịch của nhiều gia đình, là nhiều người bị thương nằm một chỗ, là mất mạng oan nghiệt, là tan cửa nát nhà, con cái bơ vơ… Các cơ quan chức năng đã chậm bóc tách đường dây nhám nhúa này và nay càng phải tăng cường điều tra và phải có được những bản án thích đáng nhất để hiểm họa này không còn tái diễn.
Với hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn phương tiện không bảo đảm an toàn đang lưu thông, chúng ta không biết đã và sẽ gây ra hậu quả như thế nào. Những phương tiện này cần sớm được triệu hồi và cần thiết phải xử lý cả chủ phương tiện nếu ngoan cố không chấp hành.
Tính mạng người dân là trên hết, mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông phải thực hiện cho bằng được ở mức độ cao nhất, nên không thể nương nhẹ với những người xem thường tính mạng của người khác.
Bình luận (0)