"Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, ai không dám làm thì xin nghỉ, đứng sang một bên" – phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 toàn quốc hôm qua, ngày 6-11 thể hiện thái độ cứng rắn, quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ trước tình hình nóng bỏng trong ngành y tế và yêu cầu đòi hỏi bức xúc trong việc chăm lo sức khỏe, bảo vệ an toàn tính mạng người dân.
Cùng với tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở nhiều địa phương, cảnh người dân chạy đôn chạy đáo tìm mua vài lít xăng cho việc đi lại là câu chuyện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế khám và điều trị cho người dân xảy ra ở nhiều nơi, kéo dài mấy tháng qua, gây bức xúc trong dân chúng.
Tuy nhiên, không chỉ riêng y tế, sức ì công việc cũng đang là điểm nghẽn ở các ngành, lĩnh vực khác. Tình trạng triển khai các chương trình, dự án chậm trễ, giải ngân vốn đầu tư công nhỏ giọt, thực hiện chính sách hỗ trợ chậm đến tay người thụ hưởng... Vì vậy, tinh thần, thái độ, mệnh lệnh chỉnh đốn đội ngũ này của Thủ tướng cần được "đốt" sang các ngành, địa phương, đơn vị khác đang bị trì trệ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Bên cạnh những cán bộ tận tụy, trách nhiệm, đang có một bộ phận không nhỏ "công bộc của dân" thiếu tu dưỡng, rèn luyện trở thành các "ông quan cách mạng". Họ đang câu kết "lợi ích nhóm", hưởng tư lợi từ vị trí công tác và công vụ. Một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí và tham nhũng liên quan đến quyết định đầu tư công, đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công mà nổi lên gần đây là hàng loạt sai phạm trong ngành y tế.
Chính tham nhũng, lãng phí đã và đang làm xói mòn nền pháp quyền, tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước cũng như làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Trong khi nhân dân phấn khởi trước thành quả của công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý kỷ luật cán bộ "không có vùng cấm" của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi công cuộc "đốt lò" trở thành phong trào rộng khắp, đã xử lý kỷ luật, xử lý theo pháp luật nhiều người sai phạm, thì những kẻ cơ hội có thể "chuyển phương thức" sang thế an toàn hay các hình thức câu kết tinh vi hơn.
Mặt khác, tình trạng nổi lên ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay là tâm lý cán bộ sợ sai. Họ cứ thủng thẳng làm theo lối mòn công việc trong khi nhu cầu đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Thậm chí để tạo "vỏ bọc an toàn", nhiều cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy mặc tình để công việc ùn ứ trước bức xúc của người dân.
Thiếu phối hợp, thừa chồng chéo, mạnh ai nấy làm là biểu hiện được nhận diện ở một số nơi, nay đến không dám, không làm, như một "căn bệnh cán bộ" khu vực công, thì cần được chẩn bệnh, kê toa, áp dụng phác đồ điều trị và dùng thuốc liều mạnh để cắt cơn, tránh tình trạng lây lan kéo dài.
Công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng của mọi tổ chức, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành bại. Cán bộ công chức cũng là con người với những điểm mạnh, điểm yếu cần được tổ chức, nhân dân giám sát 3600 để luôn rèn luyện, nâng cao năng lực.
Làm thế nào để khuyến khích cán bộ đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ? Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị ban hành vào ngày 22-9-2021 chính là điểm tựa, cởi trói cho sự sáng tạo, bứt phá.
Để bảo vệ cán bộ năng động "6 dám": dám đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cần được cụ thể hóa hơn nữa bằng các văn bản pháp luật để thực thi.
Mấu chốt của công tác cán bộ là trao niềm tin, chọn lựa người tài, tạo động lực làm việc, trách nhiệm cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý hay từng vị trí công việc trong bộ máy chứ không phải làm vừa lòng cấp trên. Người đứng đầu bộ máy quản lý, bộ phận bên cạnh việc luôn "bị soi" của tập thể vẫn cần có thực quyền quyết định êkíp làm việc; quyền nhận xét, đánh giá cấp dưới; quyền chọn lựa và loại thải những người giúp việc mình chứ không phải cứ chờ tập thể quyết, lấy tập thể làm bình phong dẫn đến tình trạng "trên bảo dưới không nghe" và "trên không nghe dưới phản ánh".
Áp dụng các công cụ thang đo thực chất thái độ, mức độ hài lòng của dân chúng đối với chất lượng hoạt động, kết quả công việc của cán bộ là công cụ đắc lực để giám sát, nâng cao năng lực cán bộ công chức, viên chức; có tác dụng kiểm soát quyền lực, kiềm chế lạm dụng quyền lực, góp phần phòng ngừa và chống tham nhũng.
"Ai không dám làm thì xin nghỉ, đứng sang một bên!" cần được hiểu là một mệnh lệnh để chỉnh đốn đội ngũ cán bộ công chức bằng kỷ cương, kỷ luật của tổ chức, cơ chế thực thi minh bạch trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ thực tiễn.
Bình luận (0)