Chuyện ông Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, bị tố cáo sàm sỡ bé gái trong thang máy ở khu chung cư Galaxy 9, quận 4, TP HCM mấy ngày nay gây xôn xao trên mạng xã hội và ngoài đời.
Các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi của ông Linh có đủ yếu tố cấu thành tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" theo điều 146 Bộ Luật Hình sự 2015 hay không. Nếu cơ quan tố tụng có đủ bằng chứng, cựu phó viện trưởng này phải đối mặt một bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Thế nhưng, thay vì chờ cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra thì một số người sử dụng mạng xã hội và ngoài đời đã cho mình cái quyền "kết án" đối với ông Linh và "thi hành án" ngay ngôi nhà ông ta đang sinh sống cùng gia đình ở Đà Nẵng. Cách hành xử của những người tự "nhân danh công lý" này không mang lại giá trị tốt đẹp gì cho xã hội mà còn tạo ra những tiền lệ quá nguy hiểm. Họ không cần pháp luật, không cần tòa án, họ tự cho mình có quyền kết án một người.
"Công lý đám đông" bắt đầu từ việc những người dùng mạng xã hội lùng sục nhân thân, lai lịch, địa chỉ nhà và cả tên họ cha mẹ của ông Linh để đưa lên mạng rồi kêu gọi cộng đồng mạng "xử lý". Tất tần tật quyền về nhân thân của một người đều bị bêu riếu, bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân của công dân.
Hiến pháp năm 2013 quy định một người không bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản bảo vệ quyền về con người được hiến định. Với hành vi của ông Linh, việc điều tra, truy tố là thẩm quyền của cơ quan công an, kiểm sát; việc kết tội một người là quyền của tòa án. Không ai có quyền kết tội người khác, trừ tòa án.
Thế nhưng, lấy lý do không tin vào pháp luật, người thực thi pháp luật nên những người nêu trên tự cho mình cái quyền được "xét xử". Hội chứng "công lý đám đông" đang diễn ra thật hết sức nguy hiểm. Những người tự cho mình có quyền "tuyên án", "xét xử" người khác không biết rằng chính họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Họ không thể dùng cái xấu, cái ác để trấn áp cái xấu, cái ác.
Nói thẳng, làm như thế chẳng khác nào tự mình quay lại thời kỳ mông muội, vô pháp.
Trở lại với vụ ông Nguyễn Hữu Linh, ngoài vi phạm quyền nhân thân của cá nhân, nhiều người còn kéo đến nhà ông ta để chụp hình, quay phim, viết vẽ bậy và ném đồ dơ vào nhà. Họ là ai mà cho mình có cái quyền đó? Thực chất, đó chỉ là những kẻ ăn theo, không suy nghĩ đến việc làm và hậu quả mà họ gây ra. Pháp luật đã quy định rất rõ ràng người nào vi phạm pháp luật thì họ phải bị xử lý, không liên quan gì đến vợ chồng, con cái, người thân - trừ khi những người này tiếp tay hoặc che giấu tội phạm.
Xin hỏi: vợ con, cha mẹ và những người thân thích của ông Linh có tội tình gì mà phải bị cư xử như vậy?
Nếu cứ cho rằng một người vi phạm pháp luật thì tất cả người thân của họ bị trừng phạt theo kiểu kéo đến nhà bôi bẩn, quậy phá như vậy thì xã hội này sẽ đi về đâu? Hành động này không mang lại giá trị tích cực nào mà ngược lại, nó còn đẩy xã hội đi về hướng tăm tối hơn, bạo lực hơn.
Nên nhớ, trong quá khứ, đã từng có trường hợp xảy ra hậu quả đau lòng: Vì không chịu nổi áp lực của dư luận, người thân của kẻ vi phạm pháp luật phải tự vẫn hoặc bị tâm thần.
Vì thế, những người tự cho mình nhân danh công lý, nhân danh tự do để hành xử kiểu mông muội, bầy đàn cũng cần phải bị xử lý!.
Bình luận (0)