Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã lỡ hẹn đến lần thứ năm, dời sang 2021 mới vận hành thử.
Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng trấn an rằng mốc thời gian 2021 là để thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng chứ không phải là lùi tiến độ đến lúc ấy.
Nói gì thì nói, thấy mới tin. Lần này thì càng không tin, vì Bộ cùng nhà thầu nước ngoài đã thông báo lùi thời gian dự kiến đưa vào khai thác 4 lần rồi. Hầu như mỗi lần lùi tiến độ, tổng thầu đều chìa ra cái hóa đơn tăng vốn đầu tư. Tăng mãi, tổng dự toán nay đã đội thêm 60% so với gần 1 tỉ USD ban đầu. Quá khủng khiếp!
Ấy là chưa đáng sợ bằng việc trả nợ và tiền lãi vay. Ngay khi tàu chưa lăn bánh, phải trả nợ Trung Quốc 650 tỉ đồng/năm. Tính theo thời điểm giữa năm ngoái, nếu áp mức lãi suất tiền vay rẻ nhất (3%) thì mỗi ngày dự án này phải trả lãi 1,2 tỉ đồng, một năm trả lãi xấp xỉ 440 tỉ đồng. Chẳng biết hiệu quả kinh tế - xã hội dự án sẽ mang lại ra sao, chỉ nhìn vào con số nợ đã đủ thấy... ngất! Đó là chưa kể đến những phát sinh tốn kém khác mà từ nay đến năm 2021 sẽ lòi ra thêm, chắc chắn như thế.
Tổng thầu EPC của dự án là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thực tế cho thấy nhà thầu này đã không tôn trọng cam kết, nói cách khác là đã thất tín. Cho dù vì lý do gì chăng nữa cũng không thể lùi tiến độ quá nhiều lần như vậy, mà mỗi lần lùi là tăng thêm ngàn tỉ. Phía Việt Nam đã bị vô thế phóng lao phải theo lao.
Giới làm ăn từ lâu đã đúc kết những chiêu bài của các nhà thầu Trung Quốc, đó là bỏ thầu thật thấp để trúng thầu dự án, sau đó thi công ì ạch để tìm cớ tăng vốn. Tiền đã có chủ nhà lo, lãi suất chủ nhà trả, hậu quả (do chậm) chủ nhà lãnh, nhà thầu chẳng sợ gì. Dẫu chưa thể kết luận rằng nhà thầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc "cùng một giuộc"... nhưng thực tế đã cho thấy họ rất thiếu trách nhiệm, có tâm lý coi thường chúng ta.
Tại sao chúng ta không phạt thật nặng nhà thầu vì lỗi chậm tiến độ? Tại sao không buộc nhà thầu ký quỹ 5%-10% tổng vốn đầu tư, đến khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đạt chất lượng rồi mới thanh toán?
Sơ hở hay lỗi phải là do phía chúng ta. Thậm chí, Bộ chủ quản cũng cho thấy sự thiếu minh bạch trong dự án quan trọng của thủ đô này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Xuyền (Thái Bình) nói trên báo chí rằng một dự án lớn như vậy, tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 tỉ USD nhưng việc tiếp cận thông tin, số liệu về dự án này hoàn toàn là con số 0. "Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các cơ quan chức năng khác đều đã tiến hành giám sát dự án nhưng không thể có được số liệu, thông tin cụ thể về dự án. Từ việc hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu thực hiện thỏa thuận, ký kết thế nào? Việc cam kết trách nhiệm của các bên với dự án ra sao? Rồi ai phải chịu trách nhiệm về việc lùi, hoãn, đội vốn của dự án...? Tất cả đều không có được một thông tin đầy đủ, rõ ràng" - ông Xuyền nói.
Quả thật, đó là dự án trọng điểm quốc gia, lùi tiến độ quá nhiều lần và đội vốn quá "hớp" đều là chuyện đại sự, thế nhưng không ai chịu trách nhiệm cả.
Để làm sáng tỏ và quy được trách nhiệm, cần phải thanh tra toàn diện dự án này. Nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Xuyền, không thể để một dự án lớn được thực hiện mà không tuân theo quy luật, quy trình nào như dự án Cát Linh - Hà Đông được! Không thể thực hiện dự án cả tỉ USD mà thông tin mù mờ, số liệu không có, không thể giám sát...
Các cơ quan thanh - kiểm tra hay giám sát đều sẵn có và thừa thẩm quyền để thi hành. Người dân đang trông mong Thanh tra Chính phủ vào cuộc!
Bình luận (0)