12 cựu cán bộ cao cấp ấy nghỉ hưu đã khá lâu, đã được nhận thông báo yêu cầu trả nhà công vụ 2-3 lần nhưng vẫn không chịu trả, buộc Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phải ký thông báo yêu cầu các cựu quan chức ấy trả lại nhà cho nhà nước (ở chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Nói thẳng ra, Bộ Xây dựng đang đi đòi lại nhà công vụ do bị chiếm dụng vô lý!
Chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, nơi có nhiều căn hộ công vụ. Ảnh: CTV
Nhà công vụ thuộc sở hữu nhà nước, giao cho cán bộ công chức có tiêu chuẩn được ở để làm việc công. Khi cán bộ công chức ấy thôi không còn giữ chức vụ thì phải trả lại cho nhà nước, để bố trí cho người khác có nhu cầu.
Theo quy định hiện hành, khi Bộ Xây dựng gửi thông báo yêu cầu trả nhà, người đang ở nhà công vụ sẽ có vài tháng để lo chỗ ở mới, trả lại nhà cho nhà nước. Tuy nhiên một số cán bộ vin vào lý do này, lý do khác tìm cách kéo dài thời gian ở nhà công vụ với các mục đích khác nhau.
Trong trường hợp cán bộ chưa có nhà ở, theo Luật Nhà ở 2014, các cựu cán bộ đó đều được thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, với điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức.
Vậy tại sao 12 cựu cán bộ cấp cao kia không chịu trả lại nhà công vụ?
Theo quy định, cán bộ có chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, nếu không có nhà ở, có tiêu chuẩn sẽ được thuê căn hộ nhà ở công vụ diện tích 100 - 115m2 và thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình. Ngoài ra các căn hộ này còn được nhà nước trang bị nội thất gồm bàn ghế, tivi, máy điều hòa, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, bình nóng lạnh... có giá trị từ 120 đến 250 triệu đồng/căn.
Đó là lý do vì sao một số cựu cán bộ cao cấp thích ở "chùa" căn hộ công vụ, dù không còn tiêu chuẩn. Thậm chí có vị còn muốn biến căn hộ công vụ thành "nhà của ông".
Nhà công vụ là chế độ, chính sách dành cho cán bộ công chức có nhu cầu, dùng để ở và làm việc, để cán bộ đó có điều kiện phục vụ nhân dân, đất nước. Toàn bộ chi phí cho nhà công vụ được trả bằng ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của nhân dân. Cán bộ công chức đó trả lại cho nhân dân, cho nhà nước bằng chính dịch vụ công mà mình thực hiện, để phục vụ cho chính người dân. Vậy thì khi cán bộ đó nghỉ hưu, tất nhiên nhân dân không còn phải trả tiền cho căn hộ công vụ đó.
Vậy mà một số cán bộ công chức, thậm chí cấp cao đã cố tình không hiểu. Và, chuyện "tham nhũng nhà công vụ" vẫn xảy ra.
Cách đây nhiều năm, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến từng chua chát phát biểu: "Có người tuy không ở nhưng lại… lỡ mang cả chìa khoá nhà công vụ về quê để ở biệt thự, nhà lầu mà đàn em đã xây sẵn ở quê nhà. Có người còn để cho con cháu họ hàng ở nhờ và nhiều người thông minh hơn thì thậm chí cho thuê để hưởng thêm mỗi tháng một khoản tiền lớn hơn nhiều khoản phải bỏ ra thuê căn nhà đó của nhà nước".
Đâu chỉ có nhà công vụ ở chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy bị các cựu cán bộ chây ì không chịu trả cho nhà nước. Theo Bộ Xây dựng, hiện còn một số cựu cán bộ đang ở nhà công vụ của Chính phủ tại khu Hoàng Cầu, quận Đống Đa cũng chưa chịu trả lại nhà công vụ.
Cán bộ, cựu cán bộ, càng cấp cao, càng phải thực hiện trách nhiệm nêu gương. Việc chây ì không chịu trả nhà công vụ cho nhà nước về mặt hành vi, thật đáng xấu hổ. Nghĩ rộng ra đó cũng là hình thức "tham nhũng nhà công vụ", cần được loại bỏ khỏi suy nghĩ và hành động của cán bộ công chức.
Bình luận (0)