Điều đó được thể hiện rất rõ ngay trong thời tao loạn. Năm 1427, sau đi đánh tan giặc Minh xâm lược, chủ soái Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi đã chủ trương "trải thảm đỏ cho giặc rút lui". Mở đường sống cho kẻ thù là bại binh cũng là một cách đề cao đức nhân của bên thắng cuộc vậy!
Điều ấy đã được đúc kết trong Cáo Bình Ngô: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo", như là một sự khái quát cho truyền thống nhân văn của dân tộc Việt qua mấy ngàn năm.
Bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn luôn đề cao và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Nhưng thật sự, người Việt có nhân văn đúng nghĩa hay không? Khó mà nghĩ đến sự thiện lương nếu nhìn qua những sự vụ dưới đây.
Chỉ trong một tuần Tết Mậu Tuất 2018, có đến 4.200 ca nhập viện vì đánh nhau. Nhiều khủng khiếp! Đó là con số thống kê được nhờ... vào viện, chứ đánh nhau sứt đầu mẻ trán nhưng không nhập viện thì còn nhiều vô kể. Người ta đánh nhau vì mọi lẽ: nhậu nhẹt và giành nhau nói, đánh; nhìn đểu, đánh; thua bạc, đánh; chọc ghẹo, đánh; va quẹt, đánh; giành đất, đánh; nẹt pô, đánh;... Không chỉ người lạ mới ẩu đả, người trong một gia đình, một gia tộc cũng luôn sẵn sàng thượng cẳng chân - hạ cẳng tay khi sinh sự. Thái độ hung hãn, hung ác thể hiện rất dễ nhìn thấy trong lúc "xung trận", nhiều khi rất vô duyên và vô cớ.
Hình ảnh người đàn ông chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, vung mã tấu chém liên tục vào các ô tô đang lưu thông trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cách đây mấy tháng đã được tái hiện trong dịp Tết vừa qua: Hai thanh niên chở nhau bằng xe máy, rượt theo xe khách qua tỉnh Đồng Nai, người ngồi sau vung dao chém vào đầu xe khách và la hét. Trước đó, vẻ như đôi bên có va quẹt. Nghĩ dại, chỉ cần tài xế xe khách điên lên, đánh lái sang phải một phát là hai thanh niên ấy té văng xuống đường, chưa biết tai họa gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Rồi trên đường phố nhan nhản cảnh rượt đuổi, chém nhau; kể cả hình ảnh rất phản cảm là tài xế ô tô hoặc taxi khách húc cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ lên nắp ca-pô, chạy hàng trăm mét, thậm chí đánh võng nhằm cố sát.
Và, ngay trước thềm Tết cổ truyền, hai băng nhóm thanh niên TP HCM và Đồng Nai hỗn chiến bằng dao, mã tấu, gậy và cả súng ở một tiệm game tại Biên Hòa. Cách thức ra tay có tổ chức như vậy hẳn không còn là để thị uy hay lấy số má giang hồ nữa mà là cốt thanh toán, đoạt mạng nhau. Kinh khủng hơn cả là vụ một thanh niên - người làm công mới 18 tuổi ngay trong 1 đêm cận Tết đã ra tay sát hại đến 5 mạng người cùng một nhà; mà gia đình ấy là nơi tạo công ăn việc làm cho hắn ta, là ân nhân của hắn ta... Tương tự, cách đây 2 ngày, một người đàn ông đưa vợ vào Bệnh viện Sản nhi Yên Bái sinh nở, trong lúc các bác sĩ phẫu thuật mổ bắt con cho sản phụ thì anh ta leo lên lầu quay phim; bị nhắc nhở, người này cự cãi và kêu 15 người nữa đến hành hung 2 bác sĩ vừa xử lý ca sinh mẹ tròn con vuông cho chính vợ con anh ta. Thật không thể hiểu nổi!
Bấy nhiêu chuyện đã đủ để băn khoăn tự hỏi: Người Việt hòa ái chỗ nào?
Xưa, Đức Mạnh Tử bảo "nhân chi sơ, tính bản thiện", rồi sau đó Tuân Tử nói ngược lại "nhân chi sơ, tính bản ác". Ai nói cũng đúng nhưng mổ xẻ từ căn nguyên, phải nói rằng nuôi mầm thiện thì mới gặt được điều thiện; còn nuôi mầm ác thì toàn chuốc lấy chuyện ác.
Chúng ta đang nuôi mầm ác quá nhiều. Ngay trong các lễ hội, hành động sát sinh chính là nuôi mầm ác. Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) năm nay dù vây bạt lại khi chém đầu lợn (để ít người nhìn thấy) nhưng về bản chất đó vẫn chính là hành động tàn ác. Các lễ hội chọi trâu, sau kết thúc đợt chọi thì đem trâu giết thịt, dù để bán hay ăn cũng là ác nhơn. Lễ hội đâm trâu ở một số tỉnh khác cũng thế. Chẳng thà xẻ thịt lợn, trâu để làm thực dưỡng như xưa nay kín đáo thì chẳng vấn đề gì; chứ còn cứ nhân danh bản sắc văn hóa mà đem những con vật gần gũi, hiền lành ra trước đám đông vung dao chém tung tóe máu thì đâu thể gọi là văn hóa, là nhân văn.
Làm như thế là một cách nuôi mầm tội ác. Cứ làm như thế thì đừng tự khen người Việt lương thiện nữa!
Tại lễ hội chém lợn Ném Thượng năm nay. Ảnh: VNE
Bình luận (0)