Chuyện trong bản đồ định vị của chiếc ôtô có "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc được Công ty TNHH ôtô Thế giới thuê từ đối tác Wolkswagen Group Import Company Limited (Trung Quốc), tạm nhập để tham gia Hội chợ triển lãm ôtô Việt Nam 2019 tại TP HCM từ ngày 23 đến 27-10 không đơn thuần là sơ suất, giới hạn ở một chiếc xe hiệu Volkswagen Touareg CR745J cụ thể. Bởi tức thì sau đó, ngày 5-11, chuyện tương tự đã được phát hiện với 7 trong số 12 chiếc ôtô du lịch (loại 5 chỗ; đều hiệu Hanteng, xuất xứ Trung Quốc, mới 100%) do Công ty TNHH ôtô Hoa Mai (TP Hải Phòng) nhập về qua cửa khẩu cảng Đình Vũ.
Đúng là chưa có bằng chứng về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên quan thế nào đến việc đưa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp vào bản đồ định vị của những chiếc ôtô nói trên, nhưng những người dân Việt Nam yêu nước và có ý thức về chủ quyền hoàn toàn có cơ sở để nghĩ đến điều đó, khi việc tuyên truyền sai trái về "đường lưỡi bò" (Trung Quốc còn gọi bằng các tên khác là đường chữ U, đường 9 khúc, đường 9 đoạn) ngày càng được Trung Quốc thực hiện ráo riết.
Hình ảnh xe Trung Quốc có bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp được bán tại thị trường Việt Nam đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua
Đưa "đường lưỡi bò" phi pháp vào các bản đồ, văn bản hành chính đã được Trung Quốc thực hiện trong nhiều năm qua, với nhiều cách thức. Chủ trương "đường 9 đoạn" (gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) cũng được Trung Quốc công khai nhắc nhiều lần trên các phương tiện truyền thông.
Từ năm 2012, Trung Quốc đã phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình "đường lưỡi bò". Và mới đây nữa, việc tuyên truyền sai trái về "đường lưỡi bò" lại được Trung Quốc thực hiện ráo riết hơn, đặc biệt với việc đưa vào trong bộ sách được chọn để sử dụng thống nhất ở cấp cao trung (tương đương THPT ở Việt Nam). Trong bộ sách giáo khoa này, cụ thể ở sách Lịch sử lớp 7 và 8, khi nói đến việc mở rộng lãnh thổ thời nhà Nguyên, nhấn mạnh: "Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, các tỉnh Đông Bắc, Đài Loan và các đảo thuộc Nam Hải đều đã thuộc quyền cai quản của Trung Quốc từ thời Nguyên".
Cái mà Trung Quốc gọi là "các đảo thuộc Nam Hải", mà chính họ cũng rất mù mờ thông tin, được đem ra để giáo dục cho con em họ chính là biển Đông của Việt Nam, với đầy đủ cơ sở pháp lý lẫn bằng chứng lịch sử, không thể chối cãi. Chính Tòa Trọng tài thường trực (PCA; một tổ chức quốc tế có trụ sở tại La Hay, Hà Lan) năm 2016 cũng đã ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc với lý do "không có cơ sở pháp lý".
Nhớ hồi tháng 5-2018, một đoàn du khách Trung Quốc đã đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) trong trang phục áo thun in hình "đường lưỡi bò". Tháng 9 cùng năm, bộ sách "Wow! - Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh" (tác giả người Trung Quốc) dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi, cũng có hình ảnh minh họa "đường lưỡi bò".
Rồi gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc còn đưa bản đồ "đường lưỡi bò" vào trong các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, sách báo, các trò chơi điện tử trên mạng. Việc bộ phim truyện hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" (tên gốc: Abominale; hợp tác sản xuất bởi hãng phim Dream Works Animation Studio - Mỹ và Pearl Studio - TQ) do Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam nhập khẩu có hình ảnh "đường lưỡi bò" đã "lọt lưới" kiểm soát là Hội đồng Trung ương Thẩm định phim để lưu hành ra rạp là một đơn cử.
Điều đáng nói là cũng chính CJ CGV Việt Nam trước đó đã nhập khẩu bộ phim "Điệp vụ Biển đỏ" (Operation Red Sea) với thông điệp sai trái rằng biển Đông là của Trung Quốc...
Dẫn ra một loạt vụ việc để thấy Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội và thủ đoạn tuyên truyền về "đường lưỡi bò" để không gì khác hơn là mưu chiếm biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam. Người Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền sai trái về biển Đông đối với chính người dân nước họ, mà còn tiến xa hơn rất nhiều.
Ở diện rộng là việc quan chức Trung Quốc ngang ngược tuyên bố trắng trợn trên nhiều diễn đàn quốc tế. Cụ thể mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã rêu rao giọng điệu ngang ngược khi đề cập đến bãi Tư Chính và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vậy thì không gì hơn lúc này, ngoài những chiến lược của Đảng, nhà nước để bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi người dân Việt Nam từ công việc của mình, từ vị trí công tác hay địa phương mà mình sinh sống, hãy tự ý thức được việc đề kháng, không để âm mưu tuyên truyền sai trái của Trung Quốc tác oai tác quái như một thứ nộc độc.
Đừng khờ khạo đến độ mơ hồ như một vị Hội đồng Trung ương Thẩm định phim hôm nọ phát biểu rằng hình ảnh "đường lưỡi bò" "chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá", khi để lọt lưới "đường lưỡi bò" trong phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ".
Mơ hồ đến mức ấy thì khác gì "nối giáo cho giặc"?
Quốc hội Việt Nam đang họp ở Hà Nội, "đường lưỡi bò" phi pháp đã được các đại biểu nêu ra giữa nghị trường. Hy vọng giải pháp chặn "đường lưỡi bò" đầy dã tâm của Trung Quốc sẽ được bàn sâu, đưa ra áp dụng tức thì.
Bình luận (0)