Điều thứ nhất là việc chọn tên phim.
"Đất rừng phương Nam" đã "đóng đinh" với cố nhà văn Đoàn Giỏi từ năm xuất bản (1957), ăn sâu vào tâm trí bao thế hệ. Bốn mươi năm sau, 1997, cái tên tiểu thuyết văn học này lần nữa khắc đậm vào tâm trí người đọc, người xem qua bộ phim truyền hình dài tập của TFS (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), dù tựa đề có cải biến một chút: "Đất phương Nam".
"Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh 2023 của Nguyễn Quang Dũng mượn nguyên tên của tiểu thuyết văn học, trước đó nhà sản xuất phim này tuyên bố sẽ là tác phẩm điện ảnh được "remake" từ sáng tác gốc, nhưng thực tế, qua xem phim thì thấy nội dung đã được phóng tác khá nhiều (nghệ thuật mà!). Nói "lấy cảm hứng từ…" thật ra chỉ là cách nói chữa cháy. Một khi équipe làm phim đã đẩy "Đất rừng phương Nam" điện ảnh đi khá xa so với bản gốc văn học về nhiều mặt rồi, khiến "đất" và "rừng" chỉ còn là những thành tố phụ của tác phẩm mới thì mục đích của việc "mượn tên" này là gì?
Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Nếu là để "mượn gió nâng diều", đánh bóng tên phim nhằm tạo viral tối đa, đem lại doanh thu cao nhất thì quả là không nên, cho dù luật không cấm. Nói rõ hơn, nếu bất chấp mọi giá để đặt tiêu đề theo cách "ăn theo" như thế, cốt vì mục tiêu tối thượng là lợi nhuận thì đó là một lựa chọn đáng chê. Xem phim và ngẫm, thấy nhiều cái tên có thể đặt, sát nội dung mà vẫn có sức dẫn dụ, chẳng hạn: "Phương Nam một thuở"…
Điều thứ hai là thiếu cẩn trọng khi đưa những chi tiết có yếu tố lịch sử, chính trị vào phim "Đất rừng phương Nam".
Mấy ngày qua đã có không ít ý kiến chỉ trích việc nhà làm phim đưa băng đảng Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội có nguồn gốc Trung Hoa vào tác phẩm, thể hiện là những tổ chức yêu nước, kháng Pháp, có công trong cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc ta, trong khi chính sử Việt Nam không ghi nhận điều này (?!).
Về cứ liệu lịch sử, để công chúng được biết kết luận chân xác nhất, Viện Lịch sử Việt Nam hoặc Hội Khoa học lịch sử TP HCM cũng nên sớm lên tiếng minh định. Còn về phim này, dù có quyền cường điệu, hư cấu, phóng tác cỡ nào đi nữa cũng không được phép làm sai biệt so với sự thật khách quan đã được chính sử kết luận. Những sai sót - nếu có - phải sửa, thậm chí cắt bỏ, chứ không thể đổi tên là xong. Nói "sửa tên để tránh gây liên tưởng" chỉ thuyết phục được một nửa, một nửa còn lại là bản chất lịch sử - phải trả lại sự thật cho nó, vì đó là chuyện của cả một dân tộc và là trách nhiệm giáo dục truyền thống cho bao thế hệ tiếp nối, không thể xem nhẹ!
Theo dõi kỹ mạch phim, dưới góc nhìn của một khán giả hiểu điện ảnh, tôi thấy nếu như nhà làm phim vẫn cố đưa các hội kín mang tư tưởng đấu tranh, chống ngoại xâm và nạn cường hào ác bá vào phim thì đâu nhất thiết phải mượn những cái tên đã được "đóng đinh" trong sử (lại là chuyện mượn tên!). Xưng nhóm này, gọi hội kia - những cái tên hoàn toàn không có trong sử liệu - thì vẫn giữ được chất điện ảnh, vẫn toát lên được nét hào sảng, tinh thần mã thượng của dân Nam Kỳ lục tỉnh và hùng tâm tráng chí của các nghĩa quân cơ mà.
Và nữa, biên kịch và đạo diễn lại còn quá tham khi "bày" ra cảnh bé An thắp nhang quỳ bái sư (ông Tiều) để gia nhập Thiên Địa hội, hòa máu vào bát nước (chắc là để uống thề). Cậu bé mới 10 tuổi, vừa rời trường học chạy loạn cách đó không lâu, thì chưa đủ chất giang hồ để làm chuyện như vậy. Quả là gượng ép!
Những tiểu cảnh khiên cưỡng, không cần thiết, kiểu như trên, làm đậm thêm yếu tố bang hội người Hoa trong phim, gây tác dụng ngược.
Điều thứ ba là trách nhiệm của Cục Điện ảnh.
Hội đồng duyệt phim, phân loại phim - Cục Điện ảnh là đơn vị "cầm cương", phải thật công tâm và kỹ lưỡng khi thực hiện nhiệm vụ. Đã gọi là kiểm duyệt mà ngày 29-9 bảo đúng, tới 15-10 thì kêu sửa, là không được! Sửa ít hay nhiều, vì lý do gì, đều khó thuyết phục. Nói sửa "sau khi lắng nghe dư luận" thì hóa ra đơn vị kiểm duyệt giống người "đẽo cày giữa đường" sao? Sai sót do bất cẩn hay vì trình độ thẩm định chưa tới, cần phải dũng cảm nhận trách nhiệm và công khai điều này.
Điều đáng bàn cuối cùng là thái độ của một bộ phận "người phán xét".
Không riêng với phim "Đất rừng phương Nam" mà đối với mọi tác phẩm văn học - nghệ thuật, chúng ta trân trọng những góp ý có trách nhiệm, thấu tình đạt lý, có cơ sở khoa học, đóng góp giá trị về chuyên môn, chân tình và xây dựng.
Nhưng bên cạnh đó cũng có tình trạng chê kiểu "bầy đàn" hoặc"đánh hội đồng", hay chỉ vì không ưa diễn viên nào đó mà tỏ thiên kiến, kêu gọi tẩy chay, thậm chí nâng quan điểm "chính trị hóa" vấn đề. Nên nhớ đây chỉ là một phim truyện, đừng đặt quá nhiều sứ mệnh to tát lên đôi vai của một tác phẩm giải trí có thời lượng 120 phút. "Dìm hàng" như vậy là điều hoàn toàn không nên làm.
Đọc hàng trăm comment chỉ trích "Đất rừng phương Nam" trên mạng xã hội và báo điện tử, tôi đoan chắc trong số đó có nhiều người "cào phím" dù chưa hề xem phim, không phân biệt được phim điện ảnh và phim truyền hình, hiểu nhầm phim này dựng nguyên bản từ tiểu thuyết cùng tên…
Những ý kiến hời hợt ấy phản ánh một thực trạng buồn từ hàng ghế khán giả.
Bỏ qua những "hạt sạn" dễ thấy trong lời thoại, diễn xuất, trang phục…, nhìn tổng thể, "Đất rừng phương Nam" là một phim hay, đẹp, đáng xem. Độ mở của phim cho thấy chủ ý sẽ có những phần tiếp theo… Cũng rất đáng khích lệ những nhà làm phim tư nhân đã dốc túi hơn 50 tỉ đồng, lại chọn đề tài lịch sử vốn "khó nhằn" để đầu tư. Giữa bối cảnh hầu hết tác phẩm điện ảnh do ngân sách nhà nước đặt hàng đều èo uột, làm xong cất kho thì phim tư nhân được sản xuất với chi phí lớn, gây tiếng vang, càng đáng được ủng hộ.
Chưa biết khi nào công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ cất cánh, sánh vai với bạn bè quốc tế, nhưng chắc chắn nó sẽ chẳng thể bay cao nếu thiếu những nhà làm phim giỏi, thiếu không gian sáng tạo cần thiết và đặc biệt thiếu sự mở lòng từ triệu triệu khán giả trên sân nhà!
Bình luận (0)