Mới hôm qua đây thôi, Bộ Giao thông Vận tải đã ghi danh người đánh máy vào sổ đen sau khi xác định Thông tư 45/2017/TT-BGTVT do lãnh đạo bộ vừa ký ban hành, chưa kịp ráo mực đã phát hiện điểm sai quan trọng.
Cục Hàng không Việt Nam và Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải đính chính.
Thông tư 45 có hiệu lực từ 15-1-2018, quy định mới về kiểm soát chất lượng an ninh hàng không. Trong đó, về các loại giấy tờ tuỳ thân bắt buộc phải xuất trình để kiểm tra an ninh khi đi máy bay, cơ quan soạn thảo đã gạch tên 3 loại giấy phép gồm thẻ đảng, thẻ nhà báo và giấy phép lái xe.
Báo chí thấy vậy hỏi lại cho rõ và lên tiếng, hai cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nói trên - có nhiệm vụ soạn thảo thông tư và trình ký - thừa nhận đây là sai sót do... lỗi đánh máy, sẽ cải chính trong những ngày tới.
Chưa biết có thật là do người đánh máy hay không, chỉ thấy nhân sự này một mình chịu tội, còn những người đọc duyệt, ký nháy, trình ký, ký ban hành... không thấy nhận lỗi phải chi cả!
Văn bản pháp lý mà sáng đúng, chiều sai như thế thì gây mất niềm tin lắm.
Chuyện tương tự là Thông tư 33/2017/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành, thay thế Thông tư 23/2014/TT-BTNMT đang được áp dụng, sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12-2017 tới.
Thông tư này có quy định gây "bão": "Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "hộ gia đình, gồm ông" (hoặc "hộ gia đình, gồm bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình... dòng tiếp theo ghi "cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
Người dân cho đây là điều rối rắm, phiền toái, không cần thiết và dễ phát sinh tranh chấp hơn quy định cũ nên bày tỏ sự không đồng tình. Bộ Tài nguyên và Môi trường buộc phải liên tục lên tiếng giải thích nhiều lần, qua nhiều kênh khác nhau, vừa bảo vệ quan điểm nhưng cũng vừa thừa nhận: Thông tư 33 mắc lỗi diễn đạt, gây khó hiểu cho người dân, do câu chữ trong thông tư "mang tính kỹ thuật"... Đồng thời, chính đại diện bộ còn nói việc ghi tên các đồng sở hữu tài sản trên sổ đỏ là tự nguyện chứ không bắt buộc!
Có vị chức sắc còn khăng khăng Thông tư 33 không bất hợp pháp, chỉ bất hợp lý!
Nếu gặp mặt thì tôi xin lạy các vị soạn thảo thông tư một lạy! Thông tư là văn bản pháp quy thấp nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn thi hành luật một cách cụ thể nhất, rõ ràng nhất, chính xác nhất. Nói cách khác, đã là thông tư thì không cho phép nói và làm sao cũng được, không tạo cách hiểu nước đôi, không chứa sai sót. Thế nhưng, Thông tư 33 "mắc lỗi diễn đạt" và "câu chữ mang tính kỹ thuật" thì rõ ràng không đạt chuẩn, không tường minh, như vậy cần phải sửa, lùi ngày thi hành, hoặc xét không ổn thì hãy loại bỏ điều khoản quy định ghi tên nhiều người vào sổ đỏ ấy đi!
Phải nói thêm rằng sổ đỏ là loại giấy tờ có tính pháp lý, mà đã vậy thì không thể cho phép chủ sổ đỏ muốn ghi tên ai thì ghi. Mầm mống tranh chấp, đối kháng là ở chỗ này, luật phải ngăn chặn nó từ đầu chứ không phải "tiếp tay" như Thông tư 33.
Thế nhưng, tại phiên họp báo thường kỳ ngày 27-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ xin rút kinh nghiệm!!!
Từ Long Xuyên, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nói với tôi: "Thông tư 33 là thừa, vì nó làm thay cho luật thừa kế tài sản, làm thay luật đất đai đã có, thay cho quyền người cha-mẹ với tư cách chủ hộ. Nó làm rối loạn luật pháp và vô hình trung phá hoại trật tự gia đình. Luật là không có giải thích cũng như án tại hồ sơ chớ không có thuyết minh thêm...".
Ông Nhị kể câu chuyện xưa bên Tây: Có lần thua trận, Hoàng đế Napoléon ra lệnh: "Tất cả xuống ngựa, nhường cho thương binh". Viên sĩ quan cận vệ thưa: "Hoàng thượng giữ con nào để giao số còn lại cho hậu cần?". Ông ta ra roi vào mặt viên sĩ quan cận vệ và quát: "Ta ra lệnh tất cả, thì ta là người xuống ngựa đầu tiên, hiểu không"?
Mệnh lệnh cũng như luật, là phải gọn, rõ, dễ hiểu, chấp hành vô điều kiện chứ không được hỏi lại, không được lập lờ, càng không được “bất hợp lý”. Lẽ nào phải cần đến một thông tư nữa chỉ để... giải thích cho Thông tư 33?!
Nếu như vậy thì ai sẽ phải ăn roi của Napoléon, người đánh máy hay các vị soạn thảo văn bản luật?
Bình luận (0)