Ba đời chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk gần nhất đã vung bút ký hợp đồng tuyển dụng khoảng 600 GV cấp THCS, tiểu học và mầm non, dù biết biên chế công chức giáo dục của huyện không còn, GV thì đang thừa và cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp ngày một đông.
Trong số ấy, giai đoạn ông Nguyễn Sỹ Kỷ làm Chủ tịch UBND huyện này (2011-2016) là ký hợp đồng nhiều nhất.
Ông Kỷ hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk - người "nổi tiếng" cả nước cách đây chưa lâu với lời giải thích rằng nhờ chạy xe ôm thời trẻ mà tích cóp tiền, xây được biệt thự.
Căn biệt thự ấy được xây trên đất nông nghiệp tại TP Buôn Ma Thuột và không kê khai tài sản, đó là hai trong số các lý do khiến ông Kỷ bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị kỷ luật "Cảnh cáo" hồi năm 2016.
Chưa rõ do "thừa giấy vẽ voi" hay vì động cơ gì mà ông nguyên chủ tịch huyện Krông Pắk đặt bút ký nhận đến mấy trăm GV, bởi hơn ai hết ông thừa biết nhu cầu và "đất" dành cho nhà giáo ở huyện có hạn.
Nhưng mà khi ấy ông có quyền ký!
Khó có thể nói do ông rộng lòng hay cạn nghĩ, bởi đơn giản là quá thừa quân số thì sớm muộn gì cũng sẽ bị cắt hợp đồng. Nếu thương GV thì thương cho trót, tức là nay họ bị cắt hợp đồng thì người đặt bút ký nhận năm nào giờ phải cùng bàn cách lo cho họ.
Nói vậy thôi chứ chẳng thể nào có việc đó vì tất cả đều là chuyện đã rồi. 200 GV đầu tiên trong khoảng 600 GV ấy vào chiều 9-3 được mời tới Trung tâm Văn hóa huyện Krông Pắk để nghe thông báo cắt hợp đồng đợt đầu tiên với lý do ngắn gọn là vì thừa GV hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục đứng lớp, mà chẳng cần giải thích gì thêm. Mấy trăm người còn lại rồi cũng sẽ đến lượt ra rìa vì huyện đã chốt: Cuối tháng 3-2018 này thi tuyển, chỉ lấy 83 người.
Hơn 500 thầy cô ấy sẽ đi đâu, về đâu? Gia đình họ sẽ sống thế nào? Con cái họ lấy gì ăn học? Đó là chưa nói đã 3-5-7 năm, thậm chí cả 10 năm rồi, họ dành cả tuổi thanh xuân cho phấn trắng bảng đen với đồng lương còm cõi. Rất nhiều người trong số họ từ miền Bắc vào, từ miền Trung hay miền Tây lên. Tha hương, kiếm sống và lập thân theo cách thanh bần nhất, với khát vọng cao khiết như thế, mà giờ đây bị nghiệt ngã đoạn tuyệt với cái nghề đã mất một nửa đời người để theo đuổi, quả là cay đắng tột cùng.
GV đâu có lỗi gì? Địa phương tuyển họ vào dạy học rồi đơn phương cắt hợp đồng, đẩy họ ra đường là vắt chanh bỏ vỏ!
Ai bù đắp thiệt thòi cho họ? Dường như không có ai cả! Mỗi "nạn nhân" rồi sẽ ngược xuôi một ngả để bươn bả mưu sinh, rồi cũng xong. Nhưng mất mát lớn hơn là danh dự, bởi họ là Người Thầy. Xã hội ta chỉ có ngành y và ngành giáo được xưng tôn là Thầy. Người Thầy mà còn bị bạc đãi như thế thì cái truyền thống "tôn sư trọng đạo" rao giảng xưa giờ mới mỉa mai làm sao!
Không riêng Krông Pắk mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đã, đang và sẽ xảy ra tình trạng tương tự. Nhà giáo đang đứng lớp bỗng dưng như con cá nằm trên thớt! Lỗi do ai, không khó để chỉ ra. Điều quan trọng là sau khi xử lý cá nhân làm sai thì làm thế nào bảo đảm quyền lợi của GV. Câu hỏi này chắc chắn không tìm được đáp án vì lỗi hệ thống mà nhãn tiền là đang khủng hoảng thừa cử nhân sư phạm, cả nước đến khoảng 70.000 người. Bế tắc!
Quyền lợi tối giản của cử nhân sư phạm, của GV là đi dạy mà cũng không có được, thậm chí bị tước đoạt, bị đối xử cạn tàu ráo máng - như trường hợp ở Đắk Lắk - thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ gì, có làm chút gì được cho “người của mình” không? Hay là tạm ngưng đào tạo sư phạm vài ba năm chăng?
Nghĩ đến đó mà ấm ức, mà rớt nước mắt. Chua xót chất chồng sau hàng hàng lớp lớp chuyện rầu lòng đổ xuống "kỹ sư tâm hồn" gần đây: cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ 40 phút giữa lớp, nữ giáo viên bị nam học sinh lớp 8 bóp cổ trong giờ dạy trước mặt đồng nghiệp, thầy giáo bị 3 học sinh đánh phải nhập viện... Trường hợp mấy trăm GV ở Đắk Lắk mất chỗ dạy đã tiếp tục viết thêm những "trang sử" đau buồn của sự nghiệp trồng người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thời bộ trưởng nào cũng luôn khẳng định GV là hạt nhân của sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam. Nhìn vào vị thế và hoàn cảnh “hạt nhân” hôm nay trong xã hội cũng đã đủ hình dung tương lai của giáo dục nước nhà, chẳng cần phải nghĩ ngợi gì thêm...!
Bình luận (0)