Thêm một ca mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với hành trình phức tạp, chưa rõ ràng, tiếp xúc với rất nhiều người một lần nữa gây lo lắng cho người dân.
Điều đáng nói là người mắc Covid-19 (nam bệnh nhân 1440) đã vượt qua hàng rào kiểm soát biên giới, từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở để về tận miền quê Vĩnh Long mới bị cơ quan quản lý dịch bệnh phát hiện.
Bên trong khu cách ly ở Vĩnh Long. Ảnh: CA LINH
Ca nhiễm bệnh lần này một lần nữa làm bộc lộ lỗ hổng ở khâu quản lý xuất nhập cảnh tại biên giới và công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Hậu quả của hành vi vi phạm tới đâu còn chờ kết quả điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc theo đúng qui định nhưng rõ ràng thông tin "người mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam" đã gây tâm lý lo lắng, bất an, đặc biệt trong bối cảnh người dân vừa trải qua kỳ Giáng sinh, chuẩn bị đón năm mới 2021 và Tết Nguyên Đán Tân Sửu.
Việt Nam được xem là một điểm đến an toàn và ĐBSCL là một trong những vùng an toàn nhất đã được chứng minh qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Nhưng an toàn không có nghĩa là bất khả xâm phạm, chỉ cần chủ quan, lơ là, bỏ qua các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là ở những giai đoạn nhạy cảm, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá đắt.
Đợt bùng phát dịch bệnh hồi giữa năm tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cũng như dịch bệnh Covid-19 đang tái diễn khốc liệt tại châu Âu, Mỹ... buộc Chính phủ nhiều nước phải thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt (lockdown) chính là những bài học thực tiễn mà từ chính quyền, nhà quản lý, doanh nghiệp và mỗi người dân chúng ta phải luôn đề cao ý thức bảo vệ cộng đồng.
Thực tế, lỗ hổng quản lý xuất nhập cảnh trên bộ trên tuyến biên giới Tây Nam thời gian qua chưa thật sự tạo được một rào chắn niềm tin cho người dân. Trường hợp bệnh nhân mới nhất nhiễm Covid-19 đã vượt qua cửa khẩu biên giới, vào Việt Nam trái phép một cách dễ dàng chỉ là một thí dụ.
Thời điểm hiện tại, chỉ có sự liêm khiết, vững chắc và hiệu quả của hàng rào kiểm soát biên giới, cửa khẩu hàng không, hàng hải và trên bộ mới nuôi dưỡng được niềm tin cho người dân, bảo đảm cho biện pháp phòng dịch y tế đạt kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, vẫn phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và xem đây là một giải pháp quan trọng. Không thể cổ động, tuyên truyền, nói suông mà cần thiết phải xử lý thích đáng để răn đe, không tái diễn tình trạng tương tự, bảo đảm tính nghiêm minh "chống dịch như chống giặc".
Việc TP HCM khởi tố vụ án để điều tra làm rõ vụ tiếp viên Vietnam Airlines làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng chính là biện pháp mạnh, rất cần được phát huy.
Cuộc chiến "chống giặc Covid-19" là một mặt trận toàn diện, một hệ thống liên hoàn đòi hỏi sức mạnh tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành chứ không thể phó thác cho "quân chủ lực y tế". Đặc biệt là làm sao để ý thức phòng dịch, ngăn chặn lây lan dịch bệnh phải là ý thức của toàn dân, không thể chấp nhận bất kỳ cá nhân, tổ chức nào lơ là làm lây lan, phát tán dịch bệnh.
Mỗi cơ quan, đơn vị, cấp quản lý, nhân đây cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách, yêu cầu đảm bảo an toàn ở các khâu trọng yếu, đặc biệt là các cửa khẩu quốc gia, quốc tế, tuyến biên giới đến các khâu quản lý nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh CoVid-19 hiệu quả, an toàn nhất.
Tết Nguyên đán đã cận kề, đừng gieo rắc nỗi lo Covid-19 thêm nữa!
Bình luận (0)