Thông điệp mà ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ra tại phiên họp giao ban công tác UBND TP Hà Nội tháng 10-2018 (tổ chức ngày 30-10), chỉ rõ yếu kém trong công tác quản lý như vụ vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn mà dư luận đang quan tâm; đồng thời, ông Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn.
Đối với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Sóc Sơn phải tổ chức cưỡng chế vi phạm nếu sau khi có thông báo mà các hộ vi phạm không tự tháo dỡ. Riêng những công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra TP thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai.
Trước ông Chung, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho báo chí biết rằng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có quyết định thanh tra lại và đoàn thanh tra đã bắt đầu làm việc để làm rõ những vấn đề liên quan đến "xẻ thịt" đất rừng ở Sóc Sơn.
Như vậy, vụ việc "xẻ thịt" rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ đang nằm trong tiến trình xử lý. Vấn đề còn lại là Hà Nội sẽ xử lý ra sao, mà điều quan trọng là xử lý như thế nào, nghiêm minh hay không?
Thế nhưng, ngay cả khi những người đứng đầu TP Hà Nội lên tiếng "tuyên chiến" với vi phạm ở Sóc Sơn thì dư luận vẫn băn khoăn không hiểu vì sao đã quyết "trảm" mà chính quyền các cấp và cả cơ quan chức năng của Hà Nội lại không công khai danh sách những đối tượng vi phạm? Nhiều cơ quan báo chí đã bỏ công đi tìm hiểu nhưng không tìm được câu trả lời?
Nói thẳng, sở dĩ có việc "mù mờ" thông tin về danh sách những đối tượng vi phạm là bởi các "ông chủ" của những biệt phủ đang chễm chệ trong rừng đặc dụng Sóc Sơn - như cán bộ của một xã tại huyện Sóc Sơn bật mí - là phần lớn người có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng".
Người có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng" thì phải được hiểu là người có chức quyền hoặc có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong công chúng. Những người như thế hẳn là hiểu biết (hoặc buộc phải biết) pháp luật về đất đai nhưng đã cố tình vi phạm thì chính họ đã không cần bảo trọng danh dự của chính mình, vậy thì chẳng việc gì mà cơ quan chức năng lại phải giấu. Nếu trong số đó có cán bộ, đảng viên thì lại càng cần phải công khai để cơ quan và cở sở Đảng đang quản lý biết mà xử lý.
Không công khai thì người dân không biết để giám sát, việc xử lý vì thế khó triệt để.
Không công khai thì làm sao dư luận biết rốt cuộc số công trình ngang nhiên vi phạm hay được tiếp tay để vi phạm chỉ là con số 27 hay còn con số khác nữa?
Không công khai thì làm sao xử lý được một cách công tâm những người có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng" nhưng cố tình đứng trên pháp luật.
Công khai, minh bạch thông tin và xử lý nghiêm chính là cách đơn giản nhất để chính quyền Hà Nội lấy lại niềm tin của người dân Thủ đô và dư luận sau các vi phạm khó tưởng tượng xảy ra ở Sóc Sơn.
Bình luận (0)