Công trình bờ kè này nằm trong khu phố cổ TP Hội An, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Công trình được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016. Đến cuối năm 2020 những bất thường ở công trình này đã xảy ra.
Tuyến đường bị lún xuống nhiều chỗ nhưng chủ đầu tư không cho người sửa chữa. Sau cơn bão số 5 vừa qua, một đoạn đường bị sụt xuống thành hố sâu. Đến khi báo chí phản ánh thì vấn đề mới được chủ đầu tư quan tâm, mổ xẻ.
Người dân bức xúc, thế nhưng ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho rằng nguyên nhân sụt lún tại tuyến kè này là do xe quá tải đi vào và người dân đào cống thoát nước.
Lập tức, Trưởng Công an TP Hội An, Đại tá Đinh Xuân Nghĩ phản bác kiểu "đổ thừa" của ông Sơn: Tuyến đường này trong phố cổ nên không cho xe có động cơ đi vào. Qua trích xuất camera không phát hiện xe tải đi vào đoạn kè này. Nói như vậy là không đúng.
Bờ kè được đầu tư gần 70 tỉ đồng nhưng qua vài năm sử dụng đã hư hỏng nặng.
Nói gì thì nói, một công trình hạ tầng bê tông cốt thép kè sông mà mới sử dụng vài năm đã hỏng thì chắc chắn chất lượng của nó không ổn. Khi nghe người dân phản ánh về những vết lún từ năm ngoái, lẽ ra ông Sơn phải bố trí người xuống tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng chứ không phải ầu ơ ví dầu mãi đến nay.
Khi công trình bị hư hỏng nghiêm trọng như báo chí phản ánh thì việc cần làm là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam thuê cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn diện công trình, xác định nguyên nhân cụ thể, tìm ra những vị trí hư hỏng để sớm có phương án khắc phục ngay. Sau đó phải truy trách nhiệm những đơn vị liên quan: đơn vị thi công như thế nào, đơn vị giám sát ra sao để chất lượng kém như thế. Và ngay trong Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng phải truy trách nhiệm cụ thể với tư cách là chủ đầu tư...
Trách nhiệm chưa thấy đâu thế mà ông giám đốc cơ quan này lại vội vàng đổ vấy cho người khác và bây giờ cơ quan công an địa phương đã chỉ rõ là vô căn cứ.
Tiền đầu tư xây kè là tiền của dân. Dù chỉ vài chục ngàn đồng cũng là mồ hôi nước mắt, phải sử dụng cho hiệu quả chứ nói gì đến sáu, bảy chục tỉ đồng. Mà xây kè bờ sông cũng không phải đòi hỏi kỹ thuật gì cao siêu mà mới sử dụng vài năm đã hỏng. Bây giờ vị giám đốc này nói cứ nhẹ như không, hư thì sửa. Vậy lấy tiền ở đâu sửa?
Nói thẳng, lấy tiền ngân sách thì cũng là tiền của dân và điều này thật vô lý. Người dân sao phải gánh những khoản chi do sự tắc trách của cơ quan chức năng gây ra.
Chuyện cần làm là cần một cơ quan độc lập kiểm tra lại toàn bộ công trình: hư hỏng do đâu? do chất lượng kém hay thực hiện không đúng thiết kế, vật tư không đủ chuẩn…?
Thậm chí cơ quan công an phải vào cuộc để truy được trách nhiệm liên quan nếu công trình không đảm bảo chất lượng. Cá nhân nào sai, đơn vị nào thiếu trách nhiệm phải bị xử lý và bồi thường thỏa đáng.
Người dân còn khó khăn, không thể cứ trả tiền cho những công trình kém chất lượng như thế này mà những cán bộ liên quan lại phủi nhẹ trách nhiệm.
Làm rõ, để làm gương!
Bình luận (0)