Lãnh đạo thành phố này quyết tâm rất cao, điều ấy thì đã rõ. Còn lại, chẳng lẽ không một người Cần Thơ nào biết xót tiền chăng? Bởi bà Đặng Thị Anh Đào, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cần Thơ, nói rằng về quy trình ban hành văn bản pháp luật của địa phương thì phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động, nên UBND TP Cần Thơ đã đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của thành phố trong vòng 1 tháng (từ ngày 18-8 đến 18-9) nhưng đến nay, không ghi nhận được ý kiến phản hồi nào (?!).
Thật khó tin!
Không có ý kiến phản hồi không có nghĩa là đồng tình, hai điều này hoàn toàn khác nhau. Cần Thơ có thể là địa phương giàu có nhất - nhì khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng ngân sách là tiền chung, nói rõ hơn là tiền mồ hôi nước mắt của Dân. Tiền Dân không phải là lá mít!
Lý do Cần Thơ đưa là ra đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương và đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả khai thác sân bay Cần Thơ.
Vậy là rất chính đáng rồi. Nhưng phải hỏi: Tại sao điều này đã không được đặt ra trước khi xây sân bay Cần Thơ? Khi ấy, phải tính toán được nhu cầu đi lại, sức hút của địa phương và vùng, tình hình hạ tầng giao thông, giá vé và năng lực làm du lịch của thành phố. Những điều này quyết định nhiều đến công suất thiết kế. Đằng này, công suất thiết kế đưa ra ở tầm "quốc tế" nên quá hớp: 3-5 triệu lượt khách/năm, trong khi thực tế thu lại thật khiếm tốn: Năm 2017 chỉ 612.512 lượt khách, chỉ đạt 20% so với công suất thiết kế.
Rõ là tính toán ngay từ đầu đã sai, hoặc thiếu tầm nhìn.
Cả nước có gần 20 sân bay dân dụng cũng đang trong tình trạng đạt năng suất khai thác rất thấp như sân bay Cần Thơ. Cần Thơ xin được thì các tỉnh - thành khác có sân bay èo uột cũng xin (và phải cho). Vậy tiền đâu cho đủ? Máy nào in tiền cho kịp trong khi nợ công đã cao ngất rồi và năm nay cũng như năm tới, áp lực thu thuế là rất lớn?
Thật, đề xuất của Cần Thơ dường như không theo một nguyên tắc nào cả. Các hãng hàng không đều là các đơn vị kinh doanh vận hành theo cơ chế thị trường. Họ thấy ăn khách thì mở, không thì thôi. Chưa biết sau khi bù lỗ hàng tỉ đồng như thế, hiệu quả du lịch hay kinh tế - xã hội có đạt được hay không nhưng số tiền phải tốn là tiền tươi thóc thật. Dùng tiền ngân sách để bù lỗ cho đơn vị kinh doanh vận tải thuần túy vì lợi nhuận là trái quy luật thị trường, trái nguyên tắc cạnh tranh. Đừng lấy thông lệ tỉnh - thành kia đã làm, nước này nước kia đã làm mà vin vào trong khi sức hút của Cần Thơ chưa rõ, giao thông đường bộ từ TP HCM về đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tiện lợi hơn nhiều; đó là chưa kể đến sân bay Long Thành trong tương lai và mới đây tỉnh An Giang (cách Cần Thơ chỉ 60 km) cũng đưa dự án sân bay An Giang vào quy hoạch!
Và, cuối cùng phải đặt ra một loạt câu hỏi nữa: Nếu đề xuất đó thành hiện thực, Cần Thơ có bù lỗ cho các hàng hàng không mãi được không? Ngưng bù thì họ ngưng bay, làm gì họ? Bù lỗ đến 8 tỉ đồng/năm, vé máy bay có giảm giá hay không?
Câu trả lời là: Không thể. Không làm gì được. Không bao giờ!
Dân miền Tây Nam Bộ hẳn ai cũng biết bài thơ "Tiền và Lá" của Kiên Giang, có câu:
"Tiền không là lá em ơi. Tiền là giấy bạc của đời làm ra...".
Phải dùng đồng tiền đổ mồ hôi - sôi nước mắt của Dân, của Nước hết sức có trách nhiệm!
Bình luận (0)