Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn ra việc mỗi năm có khoảng 300 cán bộ thuế, hải quan bị xử lý, kỷ luật, điều chuyển vị trí công tác do sai phạm để khẳng định: "Chúng tôi không đổ lỗi do khách quan mà phải nhìn trực diện đây là suy thoái đạo đức của cán bộ. Từ đó có giải pháp xử lý và đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan". Ông cũng thẳng thắng thừa nhận trong một nghiên cứu năm 2015 đã xác định có 63% doanh nghiệp (DN) cho biết có "đi đêm" với cán bộ thuế.
Nghe trả lời thế, thường dân như chúng tôi đây rất "đã". Nhưng ngẫm lại, thấy chưa xả được "xì trét" bởi thảm trạng thì dân chúng và DN đã quá rõ, vấn đề quan trọng là giải pháp về công tác cán bộ để làm trong sạch đội ngũ thì ông vẫn loanh quanh với đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan, là tăng cường giám sát, thanh tra kiểm tra. Những giải pháp này dĩ nhiên là phải làm, ngành nào cũng phải làm và ngành tài chính xưa nay vẫn làm nhưng có vẻ như "thập loại kháng sinh" này không mấy hữu hiệu. Hoặc là vẫn hữu hiệu đấy nhưng vì ngành tài chính chưa kê đúng liều, chưa điều trị tận gốc nên cứ hỏi dân chúng và DN về cái bệnh "suy thoái đạo đức" mà Bộ trưởng dẫn ra thì họ sẽ nói thẳng là "như đại dịch" chứ không nhỏ đâu.
30 cán bộ hải quan ra tòa trong phiên xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn
Không ai phủ nhận những cống hiến âm thầm và đầy vất vả của ngành thuế, hải quan trong việc thu ngân sách và cả chống thất thu ngân sách. Cán bộ thuế, hải quan liêm chính cũng không ít và chính họ đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp tài chính. Rồi cũng phải xót xa khi mỗi năm có khoảng 300 cán bộ thuế và hải quan bị xử lý. Nhưng nếu lãnh đạo ngành tài chính "không đổ lỗi do khách quan mà phải nhìn trực diện đây là suy thoái đạo đức của cán bộ" thì ông sẽ hiểu vì sao ở nước ta ngành thuế, hải quan vẫn luôn là ngành hứng chịu nhiều tai tiếng tham nhũng trong các cuộc khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn DN Việt Nam (VBF)?
VBF đã từng thực hiện một cuộc khảo sát DN tại Việt Nam để biết tham nhũng ảnh hưởng thế nào đến họ mỗi ngày và nghe những đề xuất cải thiện. Những người tham gia đã xác định 3 lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên chống tham nhũng, xếp đầu tiên vẫn là hải quan (với 55,2%), tiếp đó là thuế (46,2%). Tiêu cực siêu hạng như trong lĩnh vực đất đai và quản lý đất đai mà cũng chỉ chiếm 39,8%, sau cả hải quan và thuế.
Những giải pháp mạnh tay mà Bộ trưởng dẫn ra để nói về chống thất thu ngân sách, đảm bảo nguồn thu… xét cho cùng vẫn phải là con người Bộ trưởng ạ. Quá nhiều giải pháp, quá nhiều qui định nhưng không giảm được số cán bộ thuế "đi đêm" với DN hay hộ kinh doanh để nộp thuế thấp, hay số cán bộ hải quan làm giàu bằng phí "bôi trơn" để giải quyết nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động buôn lậu, hàng cấm hoặc khai báo sai khối lượng và chủng loại hàng hóa đi qua địa bàn của họ... thì làm sao mà đảm bảo được nguồn thu, làm sao để chống thất thu?
Bộ trưởng từng có kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực kế toán, từng làm Tổng Kiểm toán nhà nước và cũng đã hơn 4 năm làm "tư lệnh" lĩnh vực tài chính, nếu "không đổ lỗi do khách quan" mà "nhìn trực diện đây là suy thoái đạo đức của cán bộ" thì mong ông rút những "thượng phương bảo kiếm", những "bảo bối" hiệu nghiệm để tuyên bố với quốc dân ít ra là vài điểm sáng ngành thuế, hải quan nói không với tiêu cực chứ.
Xử lý 300 con người, nghe thì nhiều nhưng chủ yếu là cơ quan chức năng người ta phát hiện đấy thưa Bộ trưởng, chứ những liều thuốc mà ngành tài chính lâu nay vẫn áp dụng nghe thì to tát nhưng rốt cuộc chưa là kháng sinh đặc trị, nó chỉ như nước muối để chùi rửa vết thương khi sơ cứu mà thôi!
Bình luận (0)