Khi thông tin ban đầu được tiết lộ, dư luận không nghĩ rằng "chuyện thật như đùa" lại có thể xảy ra ở một cơ quan quan trọng của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Khi ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thừa nhận có vụ việc này, mọi người chuyển từ thái độ choáng váng sang bức xúc. Nhiều câu hỏi đặt ra chưa có câu trả lời là vì sao một người chưa học hết cấp 2, làm giả hồ sơ xin việc, lại có thể thăng tiến về chức vụ trong chính quyền, được kết nạp Đảng một cách suôn sẻ đến kỳ lạ.
Tất cả các nguyên tắc, quy trình thẩm tra chính trị nội bộ trước khi đề bạt, bổ nhiệm, kết nạp Đảng đều bị lọt qua một cách dễ dàng. Phải chăng công tác cán bộ ở Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk có vấn đề hay đã có người nào đó chống lưng, nâng đỡ "không trong sáng" nên mới bỏ qua hết mọi quy định của Đảng, chính quyền trong việc bổ nhiệm cán bộ?
Theo Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo ban hành kèm theo Quyết định 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ, tại điều 6, điều 7 quy định điều kiện, trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo hết sức chặt chẽ. Một cán bộ, công chức muốn được đề bạt, bổ nhiệm, ngoài việc đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước còn phải có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng.
Về trình tự bổ nhiệm phải qua quy trình 6 bước theo điều 7 của Quy chế.
Bước một: Đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch.
Bước hai: Thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét đánh giá tín nhiệm.
Bước ba: Tổ chức họp lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị; thông báo danh sách cán bộ, công chức được lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; cán bộ, công chức được giới thiệu trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan.
Bước bốn: Sau cuộc họp lấy ý kiến, nếu có phát sinh vấn đề mới thì tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét kết luận những vấn đề mới nảy sinh.
Bước năm: Sau khi giải quyết xong các vấn đề phát sinh thì Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng uỷ cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm. Bước sáu: Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo tán thành.
Nếu thực hiện đúng quy trình 6 bước này, con kiến cũng không thể lọt chứ đừng nói một cán bộ công chức với hồ sơ lý lịch và năng lực cá nhân được thẩm tra, xác minh.
Quy trình kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng còn chặt chẽ hơn quy định về việc bổ nhiệm cán bộ, trong đó bước thẩm tra lý lịch được quy định rất nghiêm ngặt.
Trong vụ việc của hotgirl Đắk Lắk, cả bên chính quyền và bên Đảng đều gần như "mở cửa" cho Trần Thị Ngọc Ái Sa (thực chất là bà Trần Thị Ngọc Thảo) "chui sâu, leo cao" giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan trọng yếu như Văn phòng Tỉnh ủy là điều vô cùng nghiêm trọng.
Nếu không có đơn thư tố cáo thì không biết hotgirl này còn trèo lên chức vụ nào trong Đảng và chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, ngoài việc xử lý cách chức, khai trừ Đảng đối với hotgirl này, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc và xử lý thật nghiêm khắc, kể cả việc khai trừ đảng, cách chức các chức vụ về chính quyền đối với những người đã giới thiệu, giúp đỡ vào Đảng, đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ như vừa rồi.
Nhân vụ việc này, các địa phương cũng cần phải rà soát và phải làm chặt chẽ quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, không để xảy ra như vụ Đắk Lắk và trước đây là ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận (0)