Dư luận mấy ngày qua nổi sóng vì thông tin Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) Phan Quốc Việt bị bắt giam do có hành vi nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19.
Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC tỉnh Hải Dương), cũng bị bắt tạm giam vì vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, giám đốc CDC Hải Dương đã nhận gần 30 tỉ đồng "hoa hồng" từ ông Phan Quốc Việt.
Điều đáng nói là cho đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Điều mà dư luận sốc nhất là kit của Công ty Việt Á bị cho là "mù mờ" về chất lượng nhưng suốt mấy đợt dịch vừa qua gần như cả nước sử dụng để xét nghiệm, kiểm soát dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4 (?).
Ông Phan Quốc Việt từng trả lời báo chí rằng Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Thế nhưng, thông tin này không chính xác.
Còn thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn bộ kit này cũng là "tin giả". Bởi vào tháng 10-2020, WHO có thông báo nói rõ kit của Công ty Việt Á không được chấp thuận ("Not Accepted"). Hồ sơ sản phẩm kit của doanh nghiệp này bị loại vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế. Nghĩa là sản phẩm chưa được kiểm tra chất lượng bởi WHO.
Vậy mà ngày 26-4-2020, website của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) lại thông báo: "WHO đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Trên website của Bộ KH-CN còn đăng thông tin: "Sau khi được Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu...". Các tổ chức, kể cả như WB (Ngân hàng Thế giới) cũng dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới.
Thông tin của WHO rất rõ ràng, vậy tại sao Bộ KH-CN không biết? Bộ Y tế cũng không biết, hay vì những lý do nào khác?
Bộ kit của Công ty Việt Á bắt đầu từ một "công trình khoa học" được Bộ KH-CN phê duyệt vào ngày 17-2-2020 và giao Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á thực hiện. Rất nhanh chóng, ngày 3-3-2020, Bộ KH-CN đã nghiệm thu đề tài và đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Gần như ngay lập tức, chỉ đúng 1 ngày sau (tức ngày 4-3-2020), Bộ Y tế đã cấp phép?
Lẽ ra, với một sản phẩm quan trọng như vậy phải hết sức cẩn trọng trong việc cấp phép lưu hành. Nhưng không! Và cũng ngay sau đó bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á được bán ồ ạt cho các CDC của 62 tỉnh, thành trong cả nước với giá cao ngất ngưỡng!
Câu hỏi đặt ra là, hiện nay dù cả nước đã cơ bản miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin phủ kín nhưng vì sao các ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, có liên quan gì đến chất lượng của việc xét nghiệm hay không?
Tình hình nghiêm trọng như vậy nhưng cho đến nay, Bộ KH-CN chỉ mới "âm thầm" ẩn các thông tin liên quan đến kit của Công ty Việt Á trên website của Bộ KH-CN, từ sáng 20-12.
Bộ Y tế cũng vậy. Từ tối 28-9 đến trưa 29-9 cũng chỉ gửi đi 2 thông cáo báo chí, giải thích xung quanh các ý kiến về giá kit xét nghiệm đang được cho là có bất thường và khẳng định Bộ Y tế chưa mua kít xét nghiệm, việc đấu thầu là do các đơn vị và địa phương.
Dư luận đòi hỏi Bộ KH-CN và Bộ Y tế cần công khai tất cả các thông tin liên quan kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Đặc biệt, cần điều chỉnh ngay việc sử dụng các loại kit xét nghiệm của Việt Á để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong công tác chống dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay.
Bình luận (0)