Quê nội tôi là một huyện trong vùng quê chiêm trũng phía Bắc. Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, cả xã chỉ có vài chợ nằm rải rác, mở xen kẽ trong tuần.
Mỗi phiên chợ, bà tôi đội thúng lúa, xách bó rau lớn đi bán và mua về thực phẩm cho gia đình. Cảm giác lon ton theo chân bà, nghe tiếng ì xèo ngã giá và ăn những gói bánh, củ khoai trong chợ là những ký ức đẹp theo tôi đến bây giờ.
Tại chợ quê thời ấy xảy ra một sự việc có thể nói là "kinh khủng". Hôm ấy cãi nhau to. Lý do là một ông chú bị phát giác bán 500 g thịt nhưng cân thiếu. Người này chỉ thôi hùng hổ cãi chày cãi cối khi trong đám đông có người lên tiếng nói là: "Cân điêu"! Kể từ đó ông không bán hàng nữa do xấu hổ và cũng từ ông ấy, tôi bắt đầu có ý thức về sự liêm sỉ.
Nhiều năm gần đây, sự gian lận trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ dù không còn là nỗi hổ thẹn "tày đình" của cá nhân nhưng vẫn là câu chuyện lớn với tổ chức, doanh nghiệp. Hàng giả, rau sạch "dỏm" gom mua ở chợ rồi dán nhãn VietGAP đưa vào siêu thị, cây xăng gian lận... là những thực tế gây bất bình xã hội.
Tài xế hãng taxi Sài Gòn Tourist bị phát hiện gian lận tính cước
Còn gần nhất, nhiều taxi của 2 hãng có tiếng bị phát hiện "thổi cước". Chỉ trong ngày 19-6, lực lượng chức năng kiểm tra 2 taxi, qua đó thấy số tiền cước trên cùng một đoạn đường lẽ ra chỉ vài chục ngàn đồng thì bị nhảy lên con số cao gấp nhiều lần, thậm chí vượt chục lần.
Đến ngày 21-6, 2 hãng taxi trên bị Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi tại cảng vì "đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh và thương hiệu của sân bay Tân Sơn Nhất".
Rất khó hiểu là tài xế 2 hãng khác nhau mà chiêu trò "kích cước" của họ "giống nhau như 2 giọt nước".
Cụ thể, 1 công tắc phụ nằm dưới cần số lái xe gắn liền với đồng hồ tính cước, mỗi lần vào số hoặc trả số, chúng sẽ kích giá cước tăng lên. Thiết bị ấy có thuật toán tính cước ra sao, một "tác giả" hay nhiều "tác giả", nó sản xuất cùng một lò hay được cung cấp từ nhiều nguồn, được biết từ trước hay chỉ khi báo chí vào cuộc mới lộ ra, có hay không sự "hiệp đồng móc túi khách hàng"… là những câu hỏi phải có đáp án sớm.
Ngoài ra, việc tạm đình chỉ chắc chắn chưa phải là phần kết của sự việc. Sự việc phải được mở rộng, làm rõ, thậm chí khởi tố vụ án. Để lòng tự trọng trở thành ý thức của mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi tương tác với khách hàng, cơ quan chức năng nên coi cách xử lý dứt khoát câu chuyện gian lận bất chấp liêm sỉ nói trên như một vụ việc điểm. Từ sự răn đe nghiêm khắc mới có thể loại bỏ dần những mầm mống kinh doanh, kiếm tiền phi đạo đức.
Bình luận (0)