Như thành thông lệ, cứ vào dịp trước Tết cổ truyền, mấy đời Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị về việc cấm quà cáp biếu xén cho cấp trên, hoặc cấm địa phương ra Trung ương tặng quà.
Năm qua cũng vậy, có Chỉ thị 16 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 48 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tết năm 2018. Nhưng theo thông tin từ lãnh đạo Cục Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ vào sáng 13-2 (28 tháng Chạp), cơ quan này đã nhận được khoảng 40 cuộc gọi đến đường dây nóng phản ánh về các hành vi nhận, biếu quà Tết trái quy định ở địa phương.
Mừng vì 40 cuộc phản ảnh về biếu xén ở cấp địa phương; còn ở cấp trung ương sao chưa thấy? Bởi vậy, con số này thật khó tin! Khó tin vì xét trên tình hình thực tế năm qua và các năm trước, lẽ nào có sự chuyển biến rốt ráo một cố tật, một "tập quán", "một thông lệ" nhanh bất ngờ như vậy!.
Năm qua, một thông tin gây chấn động trong phiên tòa xét xử "đại án" tham nhũng tại Ocean Bank là bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, khi còn là Tổng Giám đốc ngân hàng này đã chi hàng chục tỉ đồng làm quà biếu "lãnh đạo", nhất là vào dịp lễ, Tết.
Theo như lời khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chi khoảng 50 tỉ đồng trong 5 năm, mỗi năm khoảng 10 tỉ đồng cho nhiều cán bộ cấp trên. Người thì Sơn tặng vài chục triệu đồng, người thì tặng 100-200 triệu đồng…
Thậm chí, bị cáo này còn nói đã là những món quà "tình nghĩa" và khi còn giữ chức vụ nhỏ, chưa làm đến chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN), thì với bị cáo, được tặng, được nhận đã là "phấn khởi", là "mừng" lắm rồi và nếu tặng quà "bé" thì cảm thấy không tương xứng.
Cho dù với những lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, hội đồng xét xử, cơ quan điều tra sẽ còn phải xem xét, xác minh thêm nhưng ít nhiều nó cũng phản ánh một thực tế mà lâu nay, người dân đã râm ran xem nó như "một tập quán", chuyện thường ngay nên dần dần cũng đâm ra ít quan tâm đi. Cho nên họ có quyền hoài nghi thông tin "lạc quan" về tình hình biếu xén giữa các cấp trong dịp Tết năm nay.
Quả thật khó ngăn chặn tình trạng biếu xén, tặng quà tràn lan vào các dịp lễ, nhất là dịp Tết nguyên đán bằng những văn bản, chỉ thị mang tính hành chính.
Tập quán tặng quà cho nhau khi đi xa về, nhân ngày vui của nhau, con cháu mừng thọ cho ông, bà, cha, mẹ… là một tập quán tốt. Thế nhưng, từ xưa đến nay, nó luôn luôn bị lợi dụng bởi những tâm địa đen tối.
Từ ngày xửa, ngày xưa, Lã Bất Vi ở bên Trung Quốc bắt đầu từ chuyện tặng quà mà sau này "được cả thiên hạ". Kẻ đi tặng quà với ý đồ lợi dụng đánh trúng tâm lý hám lợi của kẻ quyền thế, rồi dần dần hình thành "liên minh ma quỷ". Các "liên minh ma quỷ" ngày càng phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, lây lan như một thứ bệnh truyền nhiễm nhiều khi thao túng cả quốc gia. Một anh công chức thường thường bậc trung, bất tài, dùng quà cáp như một phương tiện để leo lên vị trí có quyền cao hơn, với một "phương án kinh doanh " đã tính kỹ, biết chắc là sẽ được bù lại và thu lợi nhiều hơn khi còn có rất nhiều những kẻ thường thường bậc trung khác rắp tâm dấn thân vào vết xe của con đường anh ta đã đi qua.
Trùm xã hội đen Năm Cam bắt đầu cũng từ những món quà thân tình, những buổi nhậu "ấm áp tình người" để rồi lôi kéo cả chục quan chức cơ quan bảo vệ pháp luật, phóng viên và lãnh đạo báo nói, báo hình, báo viết trở thành tù nhân, tay sai đắc lực cho ông trùm này… Và còn nhiều nữa chuyện hệ lụy xung quanh chuyện quà cáp. Gần đây là vụ Dương Chí Dũng,Trịnh Xuân Thanh… leo lên được đến chức thứ trưởng chắc cũng không ngoại lệ nếu đi đến tận cùng sự thật.
Chính vì vậy mà hầu như đạo đức trong nền công vụ các nước đều có những điều khoản quy định về việc nhận quà biếu. Ví dụ trong "Những điều không cho phép đối với cán bộ Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp phòng trở lên" ở Trung Quốc có quy định: "Không cho phép trong hoạt động việc công mà nhận lại những tặng vật (tiền, vàng) và các loại ngân phiếu; không cho phép nhận của đơn vị trực tiếp thuộc cấp dưới các loại thẻ tín dụng; không cho phép nhận tham dự các buổi tiệc có khả năng ảnh hướng đến việc chấp hành công vụ khi quan hệ với cá nhân và các đơn vị…".
Ở Malaysia, trong quy định về "tư cách đạo đức và chế độ kỷ luật của công chức " thì những ràng buộc về việc nhận quà còn kỹ và chi tiết hơn, ngay cả trong trường hợp bất khả kháng.
Ở nước ta, Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ: "Người có chức vụ, quyền hạn không được làm những điều sau đây: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết. Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia cho cán bộ, công chức…".
Thật ra, những quy định này còn xa và thô sơ so với thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng, phong phú và cực kỳ tinh vi. Lúc đầu tôi tặng quà cho anh nhân những dịp rất hợp lý, không hề liên quan đến công việc anh đang xử lý giải quyết… Nhưng dần dần "mưa dầm thấm sâu", các món quà trên kể cả "dưới mức tình cảm" đã thắt chặt tình thân giữa hai ta. Đến lúc đó tôi mới ra tay! Những kẻ này đánh trúng tâm lý người Việt ta rất nặng nghĩa ân tình, duy tình hơn duy lý. Quan chức thường đem tình nghĩa, ơn nghĩa vào xử lý công vụ. Một nền công vụ có nguồn gốc xuất thân từ nền "văn minh làng xóm".
Với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, người dân kỳ vọng việc quyết liệt chống suy thoái đạo đức, chống tham nhũng, cương quyết đẩy lùi tham nhũng, lập lại kỷ cương trong bộ máy nhà nước sẽ bớt đi tệ phong bì, biếu xén để góp vào việc xây dựng hàng chục trường học, hàng ngàn nhà tình nghĩa, tình thương, cứu trợ những vùng bị thiên tai lũ lụt, hoặc giúp làm sáng mắt hàng ngàn bệnh nhân nghèo, hàng vạn học bổng vì ngày mai phát triển.
Vì thế, qua những ngày nghỉ Tết, hy vọng Thanh tra Chính phủ sẽ công bố cụ thể, rõ ràng danh sách quan chức nhận quà Tết trái quy định, kể cả cấp Trung ương.
Bình luận (0)