Có thể câu chuyện về giáo dục ngày nay nói chung, một số trường ở một vài địa phương rải rác trong cả nước nói riêng, còn nhiều vấn đề chưa ổn, cả về hình thức lẫn nội dung đào tạo, bao gồm cả các phương pháp sư phạm của người thầy đối với học sinh.
Việc học sinh gây gổ, đánh nhau ngay trong sân trường, xử nhau theo cách mà người ta vẫn hay nói chơi xã hội đen với nhau, công bằng mà nói có phần lỗi rất lớn (nếu không muốn nói là nền tảng) là trách nhiệm từ phía các bậc cha mẹ, rồi đến nhà trường và sau cùng mới đến các tác động từ xã hội.
Ngay cả học trò đánh thầy cô ngay tại lớp học, trong một số trường hợp có lỗi thuộc về người thầy do sử dụng sai hoặc vượt quá chuẩn mực sư phạm, thì lỗi trước tiên vẫn thuộc về gia đình.
Tôi phải nói thẳng như vậy mà không ngại mích lòng, do chúng ta cần phải xác định với nhau rằng: giáo dục gia đình là nền tảng đạo đức và nhân cách của con trẻ, của chính con chúng ta, nhà trường không thể làm thay "thiên chức" ấy của chính cha mẹ.
Ông bà ta đã đúc kết hàng ngàn năm mới rút ra được bài học: "Cha nào con nấy", "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".
Vụ việc vừa xảy ra ở Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là trường hợp cực kỳ đáng tiếc. Một nhóm 4 phụ huynh (trong đó có cả ông thư ký Hội Luật gia của một huyện thuộc tỉnh Long An) vào trường phản ứng với cô giáo vì đã trách phạt con em mình bằng hình thức bắt quỳ gối, rồi đòi buộc cô giáo phải quỳ gối để xin lỗi phụ huynh.
Xin lỗi, thưa quý vị, không có loại phụ huynh đó trong suy nghĩ của tôi. Việc cô giáo B.T.T.N xử phạt học trò bằng quỳ gối, ở góc độ nào đó, tôi cho rằng không quá nặng, nếu không muốn nói là "cũng bình thường".
Tôi nói "cũng bình thường" vì tôi vẫn chấp nhận hình thức này ở một mức độ nhất định. Dĩ nhiên, ngày nay ngành sư phạm đã không xem đây là những hình thức trách phạt học sinh nên được hạn chế đến mức tối đa các hình phạt, nhất là những hình phạt mang tính phản cảm, "hành hạ" thể xác học sinh như đánh đòn, véo tai, thụt dầu, bêu tên, sỉ nhục… Nhưng nó vẫn được chấp nhận ở một mức độ nhất định nào đó mang tính biểu tượng để việc dạy và học của giáo viên và học sinh đạt hiệu quả tốt hơn. Bởi nếu không, thầy dạy thầy nghe, trò không nghe, không hiểu, chất lượng dạy và học, hiệu quả giáo dục trong lớp học, trong nhà trường sẽ đi về đâu?
Xã hội cần có pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng, với tập thể và với toàn xã hội, đồng thời cũng có những chế tài để răn đe những cá nhân vi phạm các "thỏa ước xã hội" ấy. Trong nhà trường cũng vậy, và ngay cả trong gia đình cũng thế, cha mẹ vẫn đặt ra các "quy ước" cho các con để hướng dẫn, dạy dỗ, giáo dục đồng thời ít nhiều vẫn có những biện pháp "chế tài" để giáo dục con mình.
Việc một nhóm phụ huynh vào trường phản ứng rồi gây gổ với giáo viên, đòi giáo viên phải quỳ gối xin lỗi để "gỡ hòa" cho việc cô giáo bắt các con mình quỳ gối trong lớp học. Việc cô giáo B.T.T.N xin lỗi phụ huynh đã là một cách xử sự đúng mực và vừa đủ đối với một giáo viên.
Tôi chưa nói việc cô xử quỳ gối các học sinh trước đó là cần thiết hay không cần thiết, nên hay không nên và "đúng" hay chưa đúng, nhưng tôi hoan nghênh thái độ tiếp thu ý kiến, nhận sai sót và xin lỗi các phụ huynh. Nhưng qua sự việc đáng tiếc này, có mấy vấn đề cần đặt ra:
Thứ nhất, cô B.T.T.N có cần thiết phải quỳ gối xin lỗi hay không? Cô vì sợ nhóm người này hung dữ rồi hành hung nên quá hoảng sợ mà quỳ gối xin lỗi, hay "xin lỗi cho họ vừa lòng"? Nếu là lý do thứ nhất, tôi cho là nhóm người này "phạm tội đe dọa người khác một cách có tổ chức"; nếu lý do thứ hai, trong phép đối nhân, cô không phải làm vậy và nhóm người ấy cũng không có quyền đòi hỏi chuyện ấy. Một lời xin lỗi của cô đã là quá đủ.
Thứ hai, trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng đến đâu trong trường hợp này? Sao lại trả lời với phụ huỳnh rằng "để sẽ xử lý cô giáo B.T.T.N" mà không có những lời nói chuẩn mực hơn? Hay vì muốn làm vừa lòng phụ huynh mà đã "nỡ" buột miệng "kết lỗi công khai" cô giáo qua một câu nói, để phụ huynh có cớ làm khó thêm giáo viên của mình? Và tại sao lại rời phòng giáo viên sau khi nói câu nói đó, để mặc nhóm người hung hăng này tự xử với cô giáo? Trường học là cơ quan nhà nước, trách nhiệm hiệu trưởng ở đâu, trách nhiệm bảo vệ ở đâu mà để nhóm phụ huynh hung hăng này vào tận phòng giáo viên để "làm khó giáo viên"?
Thứ ba, với những bậc phụ huynh như quý vị, xin thưa rằng quý vị đã sai, đã đi quá xa trong phép đối nhân xử thế tối thiểu cần có của một con người. Tôi chưa muốn nói rằng nó không xứng với bậc làm cha mẹ đối với người thầy dạy con mình. Quý vị đã tự đặt một nấc thang để con mình leo lên. Chúng leo lên đâu chắc quý vị cũng đã rõ. Trước khi chúng leo lên vai lên cổ thầy dạy của chúng, chúng đã leo lên đầu cha mẹ mình.
Một nền giáo dục lành mạnh thì không thể sử dụng đầu gối. Một nền giáo dục hài hòa thì không có những bậc cha mẹ như vậy!
Bình luận (0)