Thị trường là yếu tố quyết định đến sự thành bại của sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Đầu ra quyết định
Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Việt Nam từng kỳ vọng bán được phân bón hữu cơ cho vùng cam, bưởi ở Bắc Giang sau khi gửi sản phẩm tặng cho nông dân dùng thử và cứu thành công những vườn cam bị bệnh khó chữa ở đây. Tuy nhiên, việc buôn bán không thành do các chủ vườn đặt điều kiện nếu mua phân bón thì công ty phải bao tiêu sản phẩm. "Chúng tôi đã tìm cách kết nối, tiêu thụ sản phẩm nhưng bên mua đòi hoa hồng quá cao nên chưa hợp tác được. Điều này cho thấy đầu ra quyết định tất cả" - bà Nguyễn Thanh Thủy, giám đốc công ty, nói.
Tại Cà Mau, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ có chứng chỉ quốc tế, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) với giá cao hơn tôm thường 20%-25% thông qua các doanh nghiệp (DN) liên kết. Đây là mô hình tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện nuôi của EU như: không sử dụng thức ăn nhân tạo, hóa chất xử lý nước, chất kích thích tăng trưởng cho tôm, không tạo các nguồn gây ô nhiễm và bảo đảm diện tích rừng tối thiểu 50%. Hiện tại, Cà Mau có hơn 20.000 ha tôm hữu cơ, sinh thái tại rừng ngập mặn với 4.000 hộ nuôi, 12 DN tham gia với sản lượng 8.000 - 9.000 tấn/năm, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ lớn thứ 4 thế giới.
Theo ông Đỗ Hà Nam - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, ngành hồ tiêu đang định hướng giảm diện tích, tập trung ở những nơi có lợi thế và ưu tiên phát triển hồ tiêu bền vững. "Phát triển hồ tiêu hữu cơ là một chiến lược dài hạn, phải làm đồng thời từ xây dựng quy trình sản xuất, quản lý và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Làm nông nghiệp hữu cơ phải xác định thị trường ở đâu, yêu cầu gì. Không nên kêu gọi nông dân sản xuất hữu cơ mà chưa bảo đảm thị trường vì sẽ dẫn đến hệ lụy xấu là nông dân mất niềm tin" - ông Nam nhấn mạnh.
Hạt điều, hồ tiêu hữu cơ là sản phẩm lợi thế của Việt Nam
Xác định lợi thế
Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nói chưa bao giờ nông nghiệp hữu cơ được nhắc đến nhiều như hiện nay nhưng xét về tổng thể, nông sản hữu cơ vẫn còn chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp Việt Nam. Phần lớn DN và hộ sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho sản phẩm.
"Nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất đòi hỏi những yêu cầu khắt khe với người sản xuất và thị trường hạn chế. Do vậy, chúng ta cần ủng hộ những trang trại, DN sản xuất sản phẩm hữu cơ hội đủ điều kiện hạ tầng và thị trường vì phương thức canh tác này không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn mà còn giúp bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và mang tính xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm hữu cơ đang tập trung ở các nước phát triển, thu nhập cao, còn sản xuất hữu cơ phân bổ ở các nước đất rộng, người thưa. Việt Nam đang có lợi thế về các sản phẩm hữu cơ như thủy sản, dược liệu, mật ong, dừa và một phần cà phê, trà, cây ăn quả. Tuy nhiên, sản xuất sản phẩm gì, quy mô ra sao phụ thuộc yêu cầu thị trường, tránh cực đoan, chạy theo phong trào" - ông Bộ lưu ý.
Ở góc nhìn của nhà kinh doanh, theo ông Đỗ Hà Nam, hồ tiêu nói riêng và nông sản hữu cơ nói chung là sản phẩm cao cấp cần có thương hiệu, độ tin cậy. Thời gian qua đã có một số DN nước ngoài đến Việt Nam hợp tác để trồng tiêu hữu cơ. "Việc hợp tác với các đối tác lớn sẽ giúp tiêu hữu cơ Việt Nam nhanh chóng gia nhập thị trường thế giới" - ông Nam gợi ý.
Cảnh báo tình trạng lạm dụng phân hóa học
Theo PGS-TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, không phải đất nào cũng trồng được các nông sản hữu cơ do quá trình canh tác trước đó đã bón nhiều phân khoáng, phân vô cơ và các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ... lâu ngày tồn dư trên đất. Nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy ở ĐBSCL, lượng phân sử dụng trên lúa đang cao hơn khuyến nghị rất nhiều. Cụ thể, lượng phân đạm cao hơn 110%-120%, phân lân cao hơn 116%-180%, phân kali cao hơn 130%-196%. Do đó, muốn sản xuất hữu cơ cần phải có thời gian "làm sạch" đất.
Bình luận (0)