Những ngày cuối tuần, Công ty Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) tất bật sơ chế, đóng gói các loại rau củ để giao cho thị trường TP HCM. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Phong Thúy, kỳ vọng sức mua sẽ tăng mạnh trong nửa cuối tháng chạp.
Rau củ tiêu thụ chậm, rớt giá
Tết này, Công ty Phong Thúy cung cấp hơn 100 mã sản phẩm thuộc gần 30 loại cây trồng ra thị trường. Công ty đặt mục tiêu bán 650-700 tấn rau củ các loại.
"Năm nay mùa vụ thuận lợi, giá nhiều loại nông sản bằng hoặc rẻ hơn cùng kỳ năm ngoái. Công ty chúng tôi đang cung cấp bắp cải cho các siêu thị với giá trên dưới 10.000 đồng/kg, cà chua 15.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng hành tây đang vào mùa nên chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg (1 tháng trước là 25.000 - 30.000 đồng/kg), càng gần Tết càng rộ mùa và rẻ hơn nữa" - ông Phong thông tin.
Công ty Phong Thúy đang làm việc với các nhà phân phối để bình ổn thị trường các mặt hàng cà chua, khoai tây, bắp cải, hành tây… trong ít nhất 10 ngày trước Tết. Trong đó, có hệ thống đã chốt giá và phối hợp thực hiện khuyến mãi để bảo đảm giá hàng Tết rẻ hơn hiện nay. "Dịp cuối tuần, chúng tôi phối hợp với các siêu thị khuyến mãi 10%-20%, thậm chí 30% cho nhiều mặt hàng rau củ" - ông Phong nói.
Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang cung cấp khoảng 7 tấn rau củ mỗi ngày cho thị trường TP HCM. Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc công ty, cho hay nguồn cung rau củ cho thị trường nội địa nói chung và TP HCM nói riêng đang dôi dư. Nhiều sản phẩm đang bán một nửa, bỏ một nửa.
Theo ông Kiên, rau củ dù là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhưng vẫn bán chậm hơn trước. Nhà cung cấp phải thường xuyên phối hợp cùng siêu thị giảm giá để kích cầu. Hiện nay, cải bó xôi đã giảm giá còn gần bằng một nửa cùng kỳ năm trước, bông cải xanh thì giảm giá đến 30%-35%, chỉ còn 25.000 đồng/kg.
"Chúng tôi giảm 30% sản lượng hàng cho tháng Tết, chấp nhận để trống một số vườn và đầu tư, thử nghiệm những mặt hàng chất lượng hơn nhằm tạo sự khác biệt trong tương lai" - ông Kiên kỳ vọng.
Cụ thể, Xuân Thái Thịnh đang thử nghiệm trồng cà chua beef, cà chua sô-cô-la trên giá thể để bảo đảm dinh dưỡng ổn định hơn. Công ty cũng đưa một số loại cây trồng bên ngoài vào nhà màng, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
"Chi phí trồng trong nhà màng và trồng thủy canh cao hơn trồng bên ngoài gấp 3 lần nhưng giá bán ra chênh lệch không đáng kể. Vì vậy, nhà cung cấp rất cần sự cam kết đồng hành của các nhà bán lẻ để yên tâm sản xuất" - ông Kiên bày tỏ.
Giúp hàng "sạch" ra thị trường
Làm việc với đoàn công tác của Sở Công Thương TP HCM về hoạt động sản xuất, cung ứng nông sản cho thị trường thành phố mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên bán hàng vào các hệ thống siêu thị ở TP HCM cho biết nhờ đầu tư mạnh vào chất lượng sản phẩm mà DN vẫn phát triển được trong giai đoạn thị trường ảm đạm hiện nay.
Bà Huỳnh Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Công ty Nông sản xanh An Phát, dẫn chứng công ty đã mất 5 năm để gây dựng thương hiệu cho trái đu đủ. "Cây giống được tuyển chọn riêng nên đắt hơn thị trường, canh tác tự nhiên, không phân thuốc hóa học nên đến mùa mưa, trái đu đủ dễ bị nấm làm vỏ lốm đốm. Ba năm đầu khó bán hàng, công ty phải đổ bỏ rất nhiều. Đến năm thứ 4, khách hàng dần chấp nhận trả nhiều tiền hơn để mua những trái đu đủ không đẹp mã nhưng ngọt hơn, thịt chắc hơn sản phẩm cùng loại" - bà Thu Trang kể.
Theo bà Trang, sau dịch COVID-19, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khâu truyền thông càng trở nên quan trọng. "Nhà sản xuất không bán lẻ sản phẩm đến người tiêu dùng nên rất cần các siêu thị đồng hành, hỗ trợ truyền thông tốt hơn, từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mới đây, công ty phối hợp cùng siêu thị gắn catalogue giới thiệu về quýt đường Hiếu Liêm canh tác tự nhiên đến người tiêu dùng và sản phẩm bán rất chạy" - bà Thu Trang nêu dẫn chứng.
Cũng theo đuổi canh tác an toàn gần 10 năm nay, bà Huỳnh Ngọc Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Xanh Farm (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), đang tìm mọi cách tiết kiệm chi phí sản xuất để có giá thành không quá chênh lệch với mặt bằng chung, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý. Bà Đào mong các nhà sản xuất lẫn phân phối cùng ngồi lại, chia sẻ với nhau những giải pháp hay, cách làm hiệu quả để cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường.
Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc Kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), thừa nhận nếu không có bao bì, nhãn mác để nhận diện, người tiêu dùng sẽ khó phân biệt được hàng thông thường với hàng VietGAP, GlobalGAP…
Ông Ngọc nêu giải pháp giúp hàng Việt chất lượng mở rộng đầu ra: "Nhà sản xuất cần tập trung quan tâm bao bì, nhãn mác, thông tin xuất xứ để người tiêu dùng biết nguồn gốc sản phẩm. Cơ quan nhà nước cần hỗ trợ nhà sản xuất ở các khâu sau thu hoạch, bảo quản, logistics… Nhà phân phối thì phối hợp cùng nhà cung cấp lập kế hoạch sản xuất/cung ứng để giúp nhà sản xuất chủ động từ khâu nguyên liệu đầu vào đến cung ứng sản phẩm với giá hợp lý".
Ông Ngọc cũng cho biết từ nhiều năm nay, Saigon Co.op đã liên kết đầu tư, ứng vốn để những nhà cung cấp chủ lực chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa chất lượng với sản lượng và giá cả ổn định.
Sẽ kiểm soát chất lượng hàng Việt ở siêu thị chặt hơn
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay thành phố có kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối, tạo sân chơi chung giúp các nhà phân phối bắt tay nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn, từ đó giúp loại bỏ sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thiếu an toàn đến tay người tiêu dùng.
"Nhà phân phối sẽ siết chặt việc thực hiện các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng theo quy tắc chung. Sản phẩm vi phạm, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nếu bị một hệ thống siêu thị phát hiện sẽ đồng loạt bị loại khỏi quầy kệ tất cả các hệ thống bán lẻ khác" - ông Phương nhấn mạnh.
Các DN kỳ vọng việc kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa sẽ tạo thêm thị trường cho những nhà sản xuất làm ăn bài bản, minh bạch tham gia, từ đó gia tăng sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường.
Bình luận (0)