xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự phân biệt làm phụ huynh chạnh lòng

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Tổng kết năm học lẽ ra là ngày ý nghĩa khi kết thúc năm học, chia tay thầy cô, bè bạn nhưng có nơi ngày tổng kết tổ chức thiếu tinh tế để lại nỗi buồn cho không ít học sinh và phụ huynh

Phản ánh với Báo Người Lao Động, một phụ huynh Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết trong ngày tổng kết năm học (30-5), giáo viên (GV) chủ nhiệm thông báo chỉ những học sinh (HS) xuất sắc và đoạt giải cấp quận, thành phố tham dự; phụ huynh không tham dự cùng con.

Vì sao lại có sự phân biệt?

Phụ huynh này cho biết thông báo của GV khiến nhiều phụ huynh chạnh lòng, bởi lẽ cũng là ngày tổng kết một năm học đã qua nhưng vì sao chỉ những HS xuất sắc mới được đến trường, khác nào là sự phân biệt đối xử lạnh lùng?

Phụ huynh một trường THPT tại quận 3, TP HCM chia sẻ dù thông báo của nhà trường không nói rõ HS không được khen thưởng phải ở nhà nhưng khi phụ huynh hỏi GV nếu không được khen thưởng thì ở nhà được không và GV nói ở nhà cũng không sao. "Như vậy có thể hiểu là lễ tổng kết năm học chỉ ưu tiên cho những HS có thành tích thôi. Còn những em không được khen thưởng thì xuất hiện cũng được, không cũng không sao" - phụ huynh này cho biết.

Sự phân biệt làm phụ huynh chạnh lòng- Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TP HCM) nghiêm trang tri ân thầy cô giáo trong lễ tổng kết, ra trường năm học 2023 - 2024

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa, cho biết quy định HS xuất sắc và đoạt giải cấp quận, thành phố tham dự lễ tổng kết là quy định của trường từ nhiều năm nay, do số lượng HS của trường rất lớn, đến 2.600 em. Dù sân trường có thể đáp ứng nhưng cũng có những HS lớp 1 còn nhỏ, trời lại nắng nên trường có đưa quy định những HS có thành tích mới đến dự.

Theo bà Thanh, ngay cả khi chọn các em đi dự, ở từng danh hiệu, từng lớp cũng chỉ có thể cử đại diện 1 em lên nhận, sau đó các giấy khen sẽ chuyển về theo hệ thống lớp. Vì nếu lên nhận hết, lễ tổng kết sẽ rất dài.

Bà Thanh cho biết thêm mặc dù quy định như vậy nhưng các GV chủ nhiệm đều có nhắn thêm: Nếu phụ huynh dù con không xuất sắc, không có trong danh sách nhận thưởng mà có điều kiện vẫn có thể đưa con đến trường. Còn thực tế, vì ngại nắng nóng, nhiều em không đến dự.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa cũng thừa nhận cách tổ chức như trên chưa thật hợp lý. "Từ ý kiến của phụ huynh, nhà trường sẽ nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm để năm sau trường tổ chức ngày tổng kết vui và ý nghĩa hơn để tất cả các em cùng được tham dự đông đủ" - bà Thanh nói.

Học sinh chưa giỏi cần được quan tâm hơn

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục và đào tạo nói chung và các trường học cần xem lại cách thức tổ chức lễ tổng kết năm học. Theo một chuyên gia, vì sao quy định ngày khai giảng tất cả HS phải được đến trường thì ngày tổng kết lại chỉ một số em được góp mặt. Bản chất của giáo dục là không để HS nào bị bỏ quên.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TP HCM), cho biết thực tế ngay cả khi trao giấy khen, phần thưởng hầu như các trường cũng chỉ có thể cử đại diện lớp lên nhận, bởi nếu lên gần hết thì cả trường sẽ mất rất nhiều thời gian. Trao giấy khen, phần thưởng là niềm vinh dự cho các em được nhận nhưng với những em không được thì càng phải tế nhị, bởi đôi khi chỉ cần một lời nói cũng có thể khiến các em tổn thương, phụ huynh không hài lòng.

"Tại trường, sau khi những em đại diện được nhận trên sân khấu, người dẫn chương trình sẽ thông báo những em còn lại sẽ nhận tại lớp. Như vậy, các em HS sẽ nghĩ mình nhận phần thưởng tại lớp nên HS sẽ không có cảm giác mình thua kém để tiếp tục phấn đấu" - bà Hà chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM - cho biết ngày lễ tổng kết năm học khác với ngày trao giấy khen, phần thưởng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường học gộp 2 nội dung này làm một. Cũng từ đây, phát sinh chuyện những em có thành tích thì được dự và ngược lại.

Theo ông Điệp, ngày lễ tổng kết năm học là ngày dành cho tất cả HS, không phân biệt em giỏi, em chưa giỏi. Ông nói thêm giáo dục không phải chỉ tuyên dương những HS giỏi, còn các em khác thì phải lủi thủi trong lớp hoặc ở nhà. Bởi bản chất của giáo dục phải là có tình thương, phải chú ý đến những em có thể vì hoàn cảnh hay vì lý do gì đó mà chưa giỏi để yêu thương, quan tâm các em hơn.

"Ở một số quốc gia khác, HS càng cá biệt càng phải được yêu thương vì chính những em này cần đến các thầy cô giáo. Người thầy có bao giờ đặt câu hỏi đã hướng về những em chưa có điều kiện chưa? Hiệu quả của giáo dục là tính đến sự tiến bộ của từng HS, chứ không phải chỉ ghi nhận các em có thành tích" - ông Điệp nhấn mạnh. 

Tri ân những người thầm lặng

Lễ tổng kết năm học và tri ân ra trường của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) khiến tất cả những người tham dự xúc động, bởi lần đầu tiên lễ tri ân dành cho cả những người thầm lặng trong nhà trường. Đó là cô tạp vụ, cô bảo mẫu, bác bảo vệ, đội ngũ nhân viên trong trường. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết lâu nay các em HS vẫn nghĩ chỉ thầy cô giáo mới cần tri ân nhưng không hẳn thế. Đội ngũ phục vụ, bảo vệ, nhân viên văn phòng... cũng là những người thầm lặng phía sau các em HS. "Nhiều cô bảo mẫu xúc động bật khóc khi họ được lên sâu khấu để HS cài hoa, nhận lời cảm ơn trân trọng" - bà Hà chia sẻ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo