Suốt 2 năm, nữ giáo viên tiểu học Bùi Thị X. (ở Thanh Hóa) luôn canh cánh nỗi lo chưa sinh được con. Áp lực tâm lý đến từ bản thân, gia đình, xã hội khiến chị X. không thể tiếp tục chờ đợi mà đã quyết định đi khám.
Hai vợ chồng chị tìm đến một bác sĩ tại địa phương. Bác sĩ chẩn đoán vợ chồng chị không thể có con tự nhiên do chồng chị bị vô sinh nam. Nghe bác sĩ thông báo, chị X. òa khóc.
Bác sĩ khuyên vợ chồng chị X. đi khám chuyên sâu, sau đó làm IVF (thụ tinh ống nghiệm). Là giáo viên tiểu học, tiền lương chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, với niềm mong mỏi có con, vợ chồng chị X. vẫn quyết định ra Hà Nội thăm khám, chữa trị.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, kết quả chẩn đoán không có gì thay đổi, nguyên nhân hiếm muộn của hai vợ chồng được bác sĩ xác định do người chồng không có tinh trùng. Bác sĩ tư vấn cho vợ chồng chị X. phẫu thuật để tìm tinh trùng và sau đó làm IVF. Số tiền làm phẫu thuật và IVF không hề nhỏ, khiến cho chị X. phải suy nghĩ, tìm cách xoay xở.
Vợ chồng chị X. đến khám đúng thời gian diễn ra chương trình hỗ trợ giáo viên hiếm muộn "Tri ân Thầy Cô giáo - Gieo hạt yêu thương", may mắn chị bốc thăm được voucher 30 triệu đồng. Theo chị X. khoản hỗ trợ bằng mấy tháng lương của hai vợ chồng cộng lại đã giúp chị có thêm động lực "tìm con".
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chia sẻ mong muốn được bế trên tay đứa con của chính mình là niềm khát khao chung của tất cả các bà mẹ. Mỗi ngày đứng lớp, giảng dạy và chăm sóc những thế hệ học sinh sinh viên, khát khao được làm cha mẹ của các thầy cô lại càng nhân lên gấp bội.
Chính vì vậy, bệnh viện thực hiện chương trình tri ân "Gieo hạt yêu thương" như một sự chia sẻ, hỗ trợ đồng hành với những người giáo viên để các thầy cô có thêm niềm tin, động lực trên hành trình tìm con, từ đó yên tâm công tác, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu nghề giáo cao quý, ươm trồng nên thật nhiều mầm xanh hạnh phúc.
Theo thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây, nam giới Việt Nam có tỉ lệ vô sinh cao và có xu hướng tăng nhanh hơn so với nữ giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính nguyên nhân vô sinh do nam giới chiếm tỉ lệ 40%, tương đương với tỉ lệ vô sinh ở nữ giới; 10% do cả nữ và nam; 10% còn lại là không rõ nguyên nhân.
Thời gian đi khám vô sinh được WHO khuyến cáo, đó là phụ nữ dưới 35 tuổi, quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng các biện pháp tránh thai mà không có thai sau 12 tháng phải đi khám; đối với những trường hợp trên 35 tuổi thì sau 6 tháng cần phải đi khám. Việc khám sớm sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng khả năng có con nếu phải chữa trị.
Bình luận (0)