Trong những lần tổ chức chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" tại địa bàn quận 8, TP HCM, chúng tôi đều gặp ông Res A Bidine, Trưởng Ban Quản trị Thánh đường phường 2, đưa con em đồng bào Chăm đi nhận học bổng.
Thành tài nhờ sự tiếp sức kịp thời
Ông Res A Bidine không quên khoe tin vui mới của cộng đồng dân tộc Chăm. Khi thì có thêm học sinh vừa đậu đại học, khi thì có sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm và sắp trở thành cô giáo, lúc khác là tin có em đã tìm được việc làm ổn định... Nếu như 10 năm trước, con em người Chăm chưa ai học tập thành tài thì nay đã có những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ... đầu tiên.
Theo ông Res A Bidine, hàng chục năm nay, các em học sinh, sinh viên dân tộc Chăm của địa phương thường xuyên được nhận những suất học bổng hỗ trợ từ "Quỹ Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - sáng lập, sau đó được Báo Người Lao Động tiếp nhận và đổi tên là chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo". "Chúng tôi rất cảm động trước sự hỗ trợ quý báu từ chương trình, nhờ đó các em học sinh, sinh viên được học hành, có việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho xã hội, trở thành tấm gương để thế hệ sau noi theo" - ông Res A Bidine bày tỏ.
Nhiều năm trước, ông Res A Bidine cũng đưa con trai đi nhận học bổng của chương trình. Giờ đây, con trai ông đang du học ở nước ngoài, chỉ còn vài tháng nữa sẽ lấy bằng tiến sĩ; người con khác thì sắp vào đại học. "Không thể nhớ hết được những lần tôi đưa con đi nhận học bổng của chương trình. Những suất học bổng luôn kịp thời đến với gia đình tôi và đồng hành xuyên suốt hành trình các con đến trường" - ông Res A Bidine xúc động.
Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2023, em Trương Văn Tiến (lớp 12A2, Trường THPT Lê Lợi, TP Đông Hà) là 1 trong 50 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận học bổng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Tiến được anh trai làm nghề thợ hồ nuôi nấng, lo cho ăn học dù gia cảnh rất khó khăn. Nhận học bổng, cậu học trò nghèo không giấu được xúc động. Năm nay, Tiến đã là sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, ngành Quản trị Kinh doanh. Hằng ngày, Tiến đi làm thêm để tiếp tục giấc mơ đèn sách. "Dù còn nhiều khó khăn nhưng em quyết tâm học tập tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Phần học bổng của chương trình đã đến với em kịp thời vào lúc khó khăn nhất" - Tiến bộc bạch.
Hỗ trợ tích cực cho các địa phương
Đầu tháng 2-2024, Báo Người Lao Động đã trao tặng 50 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bình Dương. Trước đó, 220 suất hỗ trợ kinh phí học tập cũng được trao cho học sinh nghèo vượt khó ở TP Bến Cát và huyện Dầu Tiếng của tỉnh này. Bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Bến Cát, khẳng định với sự đồng hành của Báo Người Lao Động, thành phố sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Với Ninh Thuận, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" đã đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Theo ông Bùi Hoài Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, nhờ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo", nhiều học trò đã có thêm tấm áo mới, dụng cụ học tập mới hay chiếc xe đạp để đến trường. Thông qua hoạt động thiết thực này, Công đoàn các cấp mong muốn các em cảm nhận được sự quan tâm, động viên của cộng đồng, xã hội để có động lực vươn lên.
Tại Bạc Liêu, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ sự trân quý chương trình khi đã hỗ trợ hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận những suất kinh phí hỗ trợ học tập từ chương trình đã tạo động lực tích cực đối với phong trào giáo dục của địa phương, góp phần giúp các em có thêm điều kiện để học tập. Tương tự, với TP Cần Thơ, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT, mong Báo Người Lao Động tiếp tục mở rộng chương trình để góp phần hỗ trợ công tác khuyến học, khuyến tài, nâng cao chất lượng GD-ĐT của địa phương này.
Ngày 16-1 vừa qua, 100 suất hỗ trợ học tập đã đến với các em học sinh người Khmer, học sinh nghèo vượt khó tại tỉnh Trà Vinh. Ông Nguyễn Văn Dài, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang), nhìn nhận các suất hỗ trợ học tập không chỉ có giá trị vật chất mà còn là tấm lòng dành cho thế hệ tương lai, là động lực thôi thúc các em nỗ lực hơn nữa.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đánh giá 2 chương trình của Báo Người Lao Động gồm "Tự hào cờ Tổ quốc" và "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" có ý nghĩa sâu sắc, góp phần hỗ trợ các em học sinh nghèo và động viên, khích lệ người dân vùng biên giới tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền.
Tiếp nối tinh thần nhân văn
Không chỉ vượt khó vươn lên, nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn ấp ủ ước mơ đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh éo le hơn.
Gia đình em Ung Phan Tường Vy (dân tộc Hoa, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) sống trong căn nhà nhỏ ở TP Thủ Đức, TP HCM. Với Vy, đậu đại học vừa là niềm tự hào vừa là áp lực lớn bởi đồng lương công nhân ít ỏi của cha mẹ không đủ trang trải chi phí học tập của em. Nhờ khả năng tiếng Anh tốt, Vy đã làm gia sư để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Dẫu còn muôn vàn khó khăn, cô gái nhỏ vẫn nuôi mơ ước sau khi ra trường sẽ thiết kế một chương trình giáo dục hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Em Phạm Thị Mai Lan (lớp 7A5 Trường THCS thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) rất xúc động khi biết mình có tên trong danh sách nhận học bổng từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo". Số tiền đã phần nào hỗ trợ gia đình em, từ đó em cũng có ý thức học tập tốt hơn. "Em mong tương lai sẽ tốt hơn để có điều kiện giúp đỡ những trường hợp gặp khó khăn như mình" - Lan tâm niệm.
Cũng nhận suất hỗ trợ kinh phí học tập từ chương trình, em Y Ngọc Uyên (dân tộc Xơ - đăng, học sinh Trường THPT Kon Tum) cho biết sẽ gửi phần quà ý nghĩa này cho mẹ. Nhà xa, Uyên hiện sống ở một nhà thờ gần trường, chỉ dịp lễ, Tết mới về thăm nhà. "Em chỉ còn mẹ, ở xa mẹ em thấy lo nhưng vẫn phải cố gắng vì chỉ có học tập là con đường duy nhất giúp gia đình thoát nghèo" - Uyên bộc bạch.
Nhiều địa phương đánh giá chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" có ý nghĩa rất nhân văn, đã hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật... với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau".
Có xe đạp mới, đường đến trường vui hơn
Ông Trần Như Ý (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) kể sau khi con gái là Trần Khánh Băng (học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học 3 xã Đất Mũi) được nhận suất hỗ trợ kinh phí học tập, gia đình đã mua cho em chiếc xe đạp mới và dụng cụ học tập. "Con gái tôi trước đó đi học bằng xe đạp cũ, thường xuyên bị hư, phải dắt bộ. Nhìn con mà vợ chồng tôi không cầm được nước mắt. Cảm ơn chương trình đã mang niềm vui đến với các em học sinh ở vùng nông thôn khó khăn" - ông Ý bày tỏ.
Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, em Thị Gia Mỹ (dân tộc S'tiêng, học sinh Trường THCS thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) từng nghĩ đến việc nghỉ học để phụ giúp gia đình. Trong lúc rất khó khăn, em đã nhận được phần học bổng từ chương trình, có thể mua sách vở, đồ dùng học tập. Từ đó, em cũng tự tin và chăm chỉ học tập hơn, kết quả học tập tốt hơn rất nhiều.
Bình luận (0)