Giải thích lý do của quyết định này, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo hôm 21-12 cho biết việc tham gia OPEC không còn phục vụ lợi ích của nước này. Hai nước khác là Ecuador và Qatar cũng đã rời OPEC trong thập kỷ qua.
Các nhà phân tích cho rằng sự ra đi của Angola làm dấy lên câu hỏi về sự thống nhất của OPEC và OPEC+ (liên minh giữa OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài).
Ông Ali Al-Riyami, cựu quan chức Bộ Năng lượng Oman, nhận định điều này cho thấy không có sự đồng thuận trong nội bộ OPEC và việc đó đã diễn ra một thời gian. Dù vậy, ông này cho rằng các nước khác sẽ không hành động tương tự Angola dù có thể chưa hài lòng với quyết định của nhóm.
Trước đó, Angola đã phản đối quyết định cắt giảm hạn ngạch sản lượng của OPEC+ dành cho nước này trong năm 2024. Tranh cãi này khiến cuộc họp chính sách của OPEC+ hồi tháng 11 diễn ra muộn hơn dự kiến.
Cũng tại cuộc họp này, Nigeria được OPEC+ nâng hạn ngạch nhưng thấp hơn mức nước này muốn. OPEC+ sau đó vẫn thông báo tiến hành đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 1-2024 trong nỗ lực thúc đẩy giá dầu.
Angola tham gia OPEC vào năm 2007, hiện sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Sự ra đi của Angola sẽ khiến OPEC chỉ còn 12 thành viên, tổng sản lượng giảm xuống còn 27 triệu thùng/ngày.
Con số này chiếm khoảng 27% sản lượng 102 triệu thùng/ngày của thị trường dầu thế giới. Điều này càng làm khiến thị phần của OPEC trên thị trường thế giới thêm sụt giảm. Con số này đạt mức 34% hồi năm 2010.
Những yếu tố khác tác động đến thị phần của OPEC là sản lượng ngày càng tăng của các nước ngoài OPEC, trong đó nổi bật là Mỹ. Riêng Brazil dự kiến gia nhập OPEC+ vào tháng 1-2024 nhưng sẽ không tham gia chính sách khống chế sản lượng của nhóm này.
Bình luận (0)