Một tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới với quy định mở ra cho nhiều đơn vị tham gia dịch vụ đăng kiểm khi đủ điều kiện nhằm giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện.
Chưa có đại lý đăng ký kiểm định xe
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết việc nghiên cứu, xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018) đang được khẩn trương thực hiện và sẽ sớm ban hành thời gian tới. Theo đó, có thể trưng dụng đăng kiểm viên tại các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, chuyên gia của Cục Đăng kiểm Việt Nam tham gia hội đồng đánh giá cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động cho các đơn vị đăng kiểm và đánh giá điều kiện duy trì hoạt động của các đơn vị.
Hệ thống bảo hành, bảo dưỡng tại đại lý ôtô chính hãng .Ảnh: NGUYỄN HẢI
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023 đến nay, cơ quan này chưa nhận được bộ hồ sơ nào đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô. "Do Nghị định 30/2023 mới ban hành được một tháng và theo phân cấp, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận của doanh nghiệp phải gửi cho các sở GTVT xem xét, thẩm định nên chúng tôi chưa nhận được hồ sơ. Các doanh nghiệp cần liên hệ với ngành GTVT địa phương để biết có được chấp thuận chủ trương đầu tư trung tâm đăng kiểm theo quy định mới hay không" - ông Tô An thông tin.
Về phía đại lý, hầu hết cơ sở cho biết đang chờ hướng dẫn cụ thể để có căn cứ triển khai đầu tư trang thiết bị đăng kiểm phù hợp. Ông Trần Đình Kỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DV Sài Gòn Ôtô Gia Định, cho biết ngay khi có quy định cho phép đại lý ôtô tham gia dịch vụ đăng kiểm, công ty đã thành lập bộ phận nhân sự để sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, công ty chỉ có trang thiết bị phục vụ bảo hành, bảo dưỡng theo quy định của hãng xe mà chưa có thiết bị theo quy định về đăng kiểm.
"Để đầu tư một dây chuyền kiểm định đối với xe du lịch, có thể tốn khoảng 1,7 tỉ đồng. Ngoài ra, nhân viên tham gia kiểm định phải có chứng chỉ hành nghề; người ký giấy xác nhận đăng kiểm phải hành nghề từ 36 tháng trở lên nên khi tham gia dịch vụ này, chúng tôi phải tuyển thêm nhân sự đáp ứng quy định" - ông Kỷ cho hay.
Tận dụng cơ sở sẵn có
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số đại lý ôtô mong muốn được sử dụng trang thiết bị đầu tư trước đó như thiết bị đo khí thải, đo hệ thống thắng... và được sử dụng đội ngũ kỹ thuật viên đã được hãng xe đào tạo với kinh nghiệm lâu năm để phục vụ cho việc kiểm định xe cơ giới, giúp giảm tốn kém.
Giới chuyên môn đánh giá hầu hết đại lý ôtô chính hãng đủ năng lực đảm nhiệm vai trò kiểm định bởi có hệ thống trang thiết bị được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn của hãng xe. Việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô tham gia kiểm định xe cơ giới sẽ giúp tận dụng được cơ sở vật chất và nguồn lực con người sẵn có. Không những thế, khi đại lý xe được làm dịch vụ đăng kiểm sẽ không chỉ thu hút khách hàng đến đăng kiểm mà còn thu hút được nguồn khách mua mới nhờ tính tiện lợi.
Các hãng xe lớn như Ford, Honda, Toyota cho biết quy định cho phép đại lý của hãng được tham gia dịch vụ đăng kiểm còn quá mới nên hãng chưa triển khai kế hoạch cụ thể cho đại lý. Tuy nhiên, tinh thần của hãng là ủng hộ và tạo điều kiện cho đại lý tham gia dịch vụ này.
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cần có hướng dẫn cụ thể về hạ tầng, thiết bị để các đại lý muốn tham gia dịch vụ đăng kiểm có kế hoạch đầu tư. Cũng cần xem xét đến việc yêu cầu trang thiết bị và quy trình đăng kiểm phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có của các đại lý ôtô để đại lý có thể hoạt động thuận lợi.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng dẫn chứng ở châu Âu, việc kiểm định xe cơ giới khá dễ dàng, có thể thực hiện ở đại lý hay garage ôtô. Những cơ sở này có đầy đủ thiết bị đo hệ thống lái, khí thải, hệ thống thắng và chịu hoàn toàn trách nhiệm với kết quả đăng kiểm. "Ở Việt Nam, đại lý ôtô tham gia dịch vụ đăng kiểm thậm chí có thể sẽ làm tốt hơn các trung tâm bởi họ có sự am hiểu về nguyên lý vận hành của từng dòng xe, có đội ngũ kỹ thuật viên biết sửa chữa" - ông Đồng nhận xét.
Vừa đá bóng vừa thổi còi?
Trước lo ngại có thể xuất hiện tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi cơ sở bảo dưỡng tham gia dịch vụ đăng kiểm đòi hỏi chủ xe phải thay thế phụ tùng, linh kiện thì mới được kiểm định, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng người tiêu dùng luôn rất thông thái, có thể lựa chọn địa điểm đăng kiểm phù hợp. "Nếu thấy đơn vị bảo hành, bảo dưỡng kiêm chức năng đăng kiểm đề nghị thực hiện những nội dung không phù hợp hay đưa ra hạng mục sửa chữa tùy tiện, vô lý, khách hàng có thể từ chối kiểm định và đưa xe sang đơn vị đăng kiểm khác" - đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, các đại lý, cơ sở bảo dưỡng ôtô muốn tham gia dịch vụ đăng kiểm sẽ phải đầu tư khá tốn kém. Trong khi đó, sau khi triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong thời gian qua, tình trạng quá tải ở các trung tâm đăng kiểm đã được hạn chế nên nhu cầu không còn quá căng thẳng. Do đó, việc bỏ ra một khoản đầu tư lớn để tham gia dịch vụ đăng kiểm có thể sẽ không là ưu tiên của nhiều đại lý, cơ sở bảo dưỡng.
Bình luận (0)