Ghi nhận thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng laptop trong 2 tháng qua tăng đột biến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều trường học, doanh nghiệp, công sở… tổ chức học và làm việc tại nhà để phòng chống dịch. Giới kinh doanh nhận định nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sức mua mặt hàng này sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Lượng bán laptop tăng mạnh trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài
Chị Ngô Hoàng Yến (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết trước đây, gia đình có một laptop để các thành viên dùng chung khi có công việc cần xử lý đột xuất tại nhà. Nay, con gái lớn học lớp 6 nghỉ ở nhà do dịch Covid-19 và chuyển sang học online bắt buộc nên chị phải mua máy mới cho con. Tương tự, ông Đoàn Văn Thái (ngụ quận 2, TP HCM) có dự định mua laptop khi con trai đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. "Trước nay, con tôi chỉ sử dụng smartphone để nghe - gọi và truy cập internet đọc tin tức, chưa cần thiết phải mua máy tính. Nhưng cả tháng qua, cháu học online nên tôi phải mua máy tính màn hình lớn hơn để dễ dàng học tập" - ông Thái kể.
Một nhân viên văn phòng làm việc tại một doanh nghiệp liên doanh ở quận 1 (TP HCM) cũng mới "xuống" tiền mua laptop dòng i7 của Dell để làm việc qua mạng thay thế máy cũ đã xài hơn 5 năm.
Người phụ trách ngành hàng laptop tại hệ thống Thế Giới Di Động cho biết mặt hàng này có sức tiêu thụ tăng đột biến, lên đến 80% trong tháng 2 và tháng 3. Đối tượng mua nhiều nhất là nhân viên văn phòng và học sinh, trong đó nhân viên văn phòng chiếm khoảng 60%.
Tại FPT Shop, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop, cũng thông tin so với tháng đầu năm, doanh số máy tính xách tay bán ra trong tháng 2-2020 tăng gần 80%, tháng 3 tăng hơn 150%. "Hầu hết học sinh đang học tập online tại nhà, nhiều người cũng chuyển sang làm việc từ xa nên nhu cầu thiết bị học và làm việc online rất lớn. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến FPT Shop tiêu thụ mặt hàng này khá tốt là bởi chúng tôi triển khai giao hàng miễn phí tận nhà trong một giờ, có chính sách trả góp 0% hoặc giảm giá ngay đến 3 triệu đồng, rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay" - ông Dũng nói.
Ông Lê Trí Công, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Tin học Trí Công, xác nhận sức mua laptop thời gian qua tại công ty tăng gần gấp đôi. Bên cạnh đó, doanh thu từ bán máy tính để bàn hoặc các loại máy tính đã qua sử dụng cũng tăng đáng kể. "Máy đã qua sử dụng thường có giá rẻ hơn vài triệu đồng so với sản phẩm mới nên được phụ huynh tìm mua để học sinh sử dụng với chi phí thấp. Tuy nhiên, mua máy đã qua sử dụng cần phải chọn nơi bán uy tín, bảo hành nghiêm túc, kiểm tra kỹ màn hình có xuất hiện những điểm "chết", khi chạy các ứng dụng có bị chậm không…" - ông Công lưu ý.
Các nhà bán lẻ còn thừa nhận một số mẫu laptop đang có nguy cơ thiếu hụt hàng do sức mua tăng trong khi nguồn cung đang gặp trục trặc do dịch Covid-19. Thông thường, tồn kho máy tính của các nhà bán lẻ luôn khá lớn bởi hoạt động kinh doanh buộc phải nhập gối đầu nhiều mẫu cũ, mới liên tiếp. Tuy nhiên, tồn kho tại một số đơn vị bán lẻ đến nay đã giảm 20%-30% mà chưa bổ sung được. Đáng lưu ý, dù mặt hàng này đang có xu hướng khan hiếm nguồn cung và bán rất chạy nhưng giá vẫn giữ ổn định, thậm chí người mua còn được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nguyên nhân bởi các hãng sản xuất đã quy định giá thống nhất khi tung sản phẩm ra thị trường nên các nhà bán lẻ không lợi dụng tình hình dịch bệnh để "chặt chém".
Máy in đắt khách
Mặt hàng máy in để bàn trước nay có lượng tồn kho lớn bởi tiêu thụ chậm, chủ yếu bán cho các cơ quan, doanh nghiệp. Việc bày bán sản phẩm này, theo nhiều nhà bán lẻ, là để đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, trong mùa dịch Covid-19, các nhà bán lẻ ghi nhận tăng trưởng bán máy in lên đến 30% - mức cao so với trước đây. Nguyên nhân bởi số người học và làm việc tại nhà hiện rất lớn, kéo theo nhu cầu in ấn tài liệu tăng.
Bình luận (0)