Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm 56 người tử vong và 37 người bị thương, nhiều chung cư, khu nhà trọ, trường đại học... không cho sạc pin xe máy điện tại khu vực giữ xe để bảo đảm an toàn.
Nhiều bất tiện
Anh Lê Thanh Giang (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết chung cư anh ở trước đây cho phép sạc pin xe điện 24/24 giờ. Thế nhưng, sau sự cố cháy chung cư mini ở TP Hà Nội, ban quản lý chỉ cho sạc pin trong thời gian từ 7 giờ đến 23 giờ mỗi ngày.
Nhiều người sử dụng xe điện phản ánh quy định cấm sạc pin xe vào ban đêm tại một số chung cư gây khá nhiều bất tiện cho họ. Đa phần người dân đi làm vào ban ngày và tranh thủ sạc pin vào buổi tối hoặc đêm. Trong khi đó, nhiều mẫu xe điện cần thời gian khá dài để sạc đầy pin, khoảng 5-8 giờ. Nếu chỉ cho sạc trước 22-23 giờ mỗi ngày, chủ xe không có đủ thời gian để sạc pin cho phương tiện, nhất là những người đi làm về muộn do nơi làm xa hoặc phải tăng ca.
Tại một chung cư ở quận Bình Thạnh, TP HCM, người dân cho hay ban quản lý đã tổ chức nơi sạc pin ở bên ngoài, tách biệt với hầm giữ xe. Việc này vừa bảo đảm an toàn vừa hỗ trợ người sử dụng xe điện sạc pin cho phương tiện vào khung giờ thuận lợi. Tuy nhiên, số lượng chung cư tổ chức được nơi sạc pin an toàn, xa khu vực hầm xe không nhiều.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hiện có 2 dòng xe máy điện. Một dòng có pin hoặc bình ắc-quy được thiết kế gắn cố định theo xe, còn một dòng có thể tháo rời. Với những mẫu xe tháo rời pin, người dân ở các chung cư có thể dễ dàng mang pin lên nhà để sạc. Với trường hợp xe không thể tháo lắp pin, một số chủ xe ở những khu chung cư cũ thấp tầng chọn phương án đưa xe lên nhà qua đường thang bộ để sạc; còn ở chung cư cao tầng thì chịu!
Hiếm xảy ra cháy nổ xe điện
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là xe điện có dễ gây ra cháy nổ không?
Theo nhiều chuyên gia, xe điện là phương tiện an toàn, bảo vệ môi trường và được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Thực tế tại các nước có tỉ lệ sử dụng xe điện cao, rất hiếm khi xảy ra cháy nổ phương tiện này. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, việc sạc pin xe điện cần được thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, cần có hệ thống trạm sạc rộng khắp và đáp ứng tiêu chuẩn.
Tại Việt Nam, nhiều chung cư hiện hữu không có hệ thống trạm sạc điện và cũng không được thiết kế phù hợp để có thể tải được hạ tầng này. Khi phát sinh nhu cầu sạc pin xe điện, buộc phải thiết kế bổ sung nhưng không bảo đảm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn thì có khả năng xảy ra rủi ro.
Do đó, các chuyên gia góp ý cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc điện phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam. Cụ thể, với chung cư hiện hữu không có sẵn hệ thống trạm sạc, cần có quy định, chỉ dẫn cụ thể về quy trình thi công, lắp đặt bổ sung. Trường hợp đầu tư xây dựng chung cư mới, buộc phải đưa hạng mục trạm sạc và thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thẩm định, phê duyệt trước khi thi công.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, nếu pin, ắc-quy của xe máy điện, xe đạp điện không đạt chất lượng thì nguy cơ xảy ra cháy nổ trong lúc sạc là khá cao. "Dây điện kém chất lượng hoặc dây điện bảo đảm chất lượng nhưng sử dụng không đúng cách đều gây mất an toàn khi sạc pin. Ví dụ, nếu sử dụng dây điện có tiết diện không phù hợp với công suất sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, gây cháy nổ" - TS Nguyễn Trung Nhân lưu ý.
Nêu dẫn chứng để tham khảo, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho hay ở châu Âu, hệ thống trạm sạc xe điện đều được lắp đặt bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Những đơn vị này phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Thiết bị sạc xe điện phải có chứng nhận của một trong các tổ chức ngành nghề như GS, VDE, CE.
Đại diện hãng xe máy điện Dat Bike khuyến cáo khách hàng sạc pin xe đúng cách để tránh gây điện giật, cháy nổ. Chủ xe chỉ nên sử dụng bộ sạc do nhà sản xuất cung cấp; sạc ở nơi khô ráo; không dùng chung ổ cắm với thiết bị điện khác để tránh gây quá tải dẫn đến chập điện. Ngoài ra, chủ phương tiện không nên độ, chế pin để tăng dung lượng, giảm thời gian sạc.
Các hãng xe điện đều có quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn khi lưu thông sản phẩm ra thị trường. Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, khẳng định rất khó xảy ra cháy nổ xe điện bởi mỗi công đoạn đều được kiểm tra, kiểm duyệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên, ông Tân đề nghị người sử dụng phương tiện tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sử dụng thiết bị do nhà sản xuất cung cấp, không được can thiệp vào các thiết bị điện của xe, không sử dụng cục sạc công suất thấp để sạc cho pin có công suất cao...
Lắp đặt trạm sạc phải được thẩm duyệt
Theo Nghị định 136/2020, trạm sạc xe điện không thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, khi lắp đặt trạm sạc xe điện trong tầng hầm để xe của công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mà làm ảnh hưởng đến các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy - như làm thay đổi đường thoát nạn, giải pháp ngăn cháy... - thì phải được thẩm duyệt.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!