xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Tân binh" ồ ạt gia nhập thị trường gọi xe

Nguyễn Hải - Phương Nhung

Sự ra đời của nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ không ảnh hưởng nhiều đến miếng bánh thị trường vốn đã được định đoạt trong tay các ông lớn

Vừa ra mắt hồi đầu tháng 10, ứng dụng gọi xe thuần Việt viApp của Công ty CP Phát triển ứng dụng VISERVICE tham vọng đem đến trải nghiệm mới cho khách hàng về một hình thức đặt xe và tính cước bằng đồng hồ điện tử, thay vì báo trước cước phí cho cả quãng đường, giúp người dùng kiểm soát được giá tiền cũng như quãng đường cần di chuyển.

Khai phá ngách nhỏ

Ứng dụng viApp còn cho phép khách hàng được vẫy xe và thiết lập giao dịch sau khi vẫy tương tự như gọi taxi, xe ôm truyền thống. Nhóm khách lớn tuổi, khách có nhu cầu đặt xe nhanh chóng mà chưa xác định được điểm đến cũng sẽ được hỗ trợ bởi tính năng đặt xe chỉ với một "chạm" trên màn hình điện thoại, không phải gõ điểm đi - điểm đến như các ứng dụng khác. Nhìn chung, viApp được đánh giá là một ứng dụng kết hợp những ưu điểm nổi trội, khắc phục được hạn chế của cả hai loại hình gọi xe công nghệ và gọi xe truyền thống. Trong đó, nổi bật nhất là khả năng minh bạch mức cước, thao tác đặt xe nhanh gọn.

Tân binh ồ ạt gia nhập thị trường gọi xe - Ảnh 1.

Các hãng xe công nghệ đang cạnh tranh quyết liệt .Ảnh: NGUYỄN HẢI

Ứng dụng gọi xe inDriver của Nga với hơn 50 triệu người dùng tại hơn 30 quốc gia cũng vừa có mặt tại các TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế. Điểm khác biệt của ứng dụng này là không đưa ra mức cước cố định mà cho phép hành khách thỏa thuận với tài xế thông qua tính năng "đàm phán". Theo đó, khách hàng được quyền đưa ra mức giá mong muốn cho chuyến xe, ngược lại, tài xế có quyền chọn những đơn gọi xe có lời và thuận tiện nhất hoặc "trả giá" với khách hàng.

GV Taxi do Công ty CP GV ASIA đầu tư và được điều hành bởi đội ngũ kỹ sư trẻ người Việt cũng vừa ra mắt hồi tháng 7, dù thị trường đã có nhiều ứng dụng tiềm lực mạnh và chiếm thị phần lớn. Giám đốc Công ty CP GV ASIA Hoàng Quang Mạnh tự tin cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho người đến sau bởi lợi thế am hiểu thị trường, mức cước hợp lý và tạo thu nhập tốt cho tài xế. Bởi vậy, ứng dụng này giữ nguyên mức cước với xe máy 5.000 đồng/km và với ôtô 11.000 đồng/km trong giờ cao điểm hoặc trời mưa.

Một ứng dụng khác là DiDi của Công ty CP Công nghệ DiDi Việt Nam không thu phí tài xế trong 6 tháng đầu. Sau đó, chỉ thu phí cố định 10,5% doanh thu. Ứng dụng MeGo thì tuyên bố hỗ trợ tài xế có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc miễn phí duy trì sử dụng. Với tài xế khác, MeGo chỉ thu phí duy trì sử dụng 1 triệu đồng/tháng cho ôtô và 300.000 đồng/tháng cho xe máy. Còn TaxiGo là nền tảng đặt xe, thuê xe... kết nối xe nhàn rỗi với mức phí trọn gói, được công bố rõ ràng theo từng tuyến. Một tân binh khác là Carback thì hoạt động theo hình thức đặt xe tiện chuyến, tức kết nối với những hành khách có nhu cầu đi cùng lộ trình để giảm giá thành và tận dụng được những cuốc xe rỗng chiều về của tài xế.

Cuộc chiến khốc liệt

Sự ra đời của một loạt ứng dụng gọi xe của người Việt "đấu" với các ứng dụng ngoại đình đám cho thấy miếng bánh thị trường gọi xe vẫn còn rất hấp dẫn và cuộc đua phân chia lại thị phần chưa có hồi kết. Nhận định này cũng phù hợp với số liệu tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam đạt hơn 40%/năm do Google và Temasek đưa ra. Với quy mô thị trường khoảng 500 triệu USD hiện nay, dự báo đến năm 2025, sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng còn 38%/năm. Như vậy, dù Grab, be và Goviet (nay là Gojek) nắm giữ đến 99% thị phần gọi xe công nghệ, theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, thì dư địa cho các "tay chơi" mới cũng vẫn còn bởi con số tăng trưởng nhu cầu thực qua từng năm rất lớn.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh không hề dễ dàng cho các ứng dụng bởi vị trí của những gương mặt cũ trên thị trường đã quá vững chắc. Ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net, cho rằng dù ngày càng có nhiều ứng dụng mới tham gia thị trường nhưng sức ảnh hưởng tạo ra rất nhỏ. Thậm chí, các doanh nghiệp lớn sở hữu những ứng dụng lớn tỏ ra không hề hấn gì trước sự có mặt của không ít đối thủ trên thị trường. 

"Giải pháp được một số ứng dụng sử dụng hiện nay như thỏa thuận giá, kết nối với nhiều đối tác để chia sẻ chuyến đi… nhằm tiếp cận được với hành khách và đối tác tài xế thì chúng tôi cũng đã thử nghiệm nhưng hiệu quả không như mong muốn. Nhược điểm của hình thức thỏa thuận giá là mất nhiều thời gian, trong khi nhiều hành khách không quan tâm đến giá mà chỉ cần đi nhanh nhất có thể. Còn giải pháp kết nối với nhiều đối tác cũng không dễ bởi để có một cú bắt tay trên thị trường cần rất nhiều yếu tố" - ông Sang phân tích.

Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net nhìn nhận dư địa dành cho các hãng xe nhỏ không lớn như dự báo của một số cơ quan nghiên cứu. Bằng chứng là đã có không ít tên tuổi âm thầm rút khỏi thị trường như Aber hay ngày càng vắng bóng như VATO. "Các hãng xe công nghệ ra đời sau với quy mô đầu tư nhỏ, tiềm lực không mạnh cũng không dám "đánh" vào thị trường thành thị lớn mà phải đi vào phân khúc thị trường địa phương, tỉnh lẻ… bởi các "cá mập" đã chiếm giữ hầu hết thành phố lớn" - ông Sang nhận xét.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Công ty CP Fastgo, thị trường gọi xe công nghệ hiện vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Do đó, các ứng dụng mới liều lĩnh tham gia thị trường này với muôn kiểu tiếp cận khách hàng khác nhau sẽ rất khó chinh phục được thị trường vào thời điểm này. "Cần thêm 6 tháng đến 1 năm nữa để thị trường cơ bản phục hồi. Thời điểm này, ngay chúng tôi cũng chưa dám làm điều gì mới. Chưa kể, hành vi của khách hàng thay đổi nhanh và nhiều. Có thể hôm nay đúng nhưng ngày mai lại sai. Trong lúc chờ đợi, việc nghiên cứu thị trường là rất quan trọng" - ông Tuất nói.

Một chuyên gia về thương mại điện tử đánh giá thị trường gọi xe công nghệ đang vận hành không khác nhiều so với cách hoạt động của các nền tảng bán hàng online, ví điện tử…. Tức là tập trung lực lượng, gọi vốn và "đốt tiền" lôi kéo khách. Đây cũng là "tử huyệt" của những tân binh yếu sức và tương lai, không ít cái tên có thể tiếp tục rút lui.

Cạnh tranh bằng hệ sinh thái đa dạng

Đại diện Gojek Việt Nam đánh giá sự xuất hiện của những ứng dụng mới sẽ tạo chất xúc tác cho cuộc cạnh tranh giữa các "siêu ứng dụng". Theo đó, để đứng vững trên thị trường, các ứng dụng không chỉ cạnh tranh về giá mà phải tạo ra một hệ sinh thái đa dạng sản phẩm và gia tăng giá trị cho khách hàng sử dụng, cũng như giúp đối tác tài xế có thể làm nhiều việc khác trong hệ sinh thái đa dạng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo