Chỉ 2-3 năm trước, sự quan tâm của thị trường cũng như cơ quan quản lý dành cho ôtô điện còn mờ nhạt, ít ai nghĩ khi sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái của VinFast là VF e34 trình làng vào đầu năm 2021, sức hấp dẫn của nó lại lớn đến vậy. Ngay ngày đầu mở bán, hệ thống ghi nhận gần 4.000 đơn đặt hàng.
Dòng xe phong phú
Lượng đơn đặt hàng lớn một phần bởi người tiêu dùng khá tò mò với dòng xe này nhưng phần nhiều do mức đặt cọc thấp bất ngờ, chỉ 10 triệu đồng cho mỗi chiếc xe. Gần như không có hãng xe nào làm được điều này bởi thông thường, với xe phân khúc C trở lên, khoản đặt cọc tối thiểu là 30-50 triệu đồng. "Khoản đặt cọc nhỏ giúp khách hàng thoải mái về mặt tâm lý, ngay cả trong trường hợp không lấy xe và bị mất cọc thì thiệt hại cũng không lớn" - một khách hàng vừa đặt cọc xe VF e34 nói.
Một mẫu xe điện của hãng VinFast.Ảnh: NGUYỄN CHI
Ra mắt khi thị trường đã xuất hiện nhiều dòng xe điện nổi tiếng, chiến lược của VinFast đánh mạnh vào tâm lý chuộng giá rẻ của người tiêu dùng. Mỗi chiếc ôtô điện có giá gốc chỉ 690 triệu đồng là rất hấp dẫn so với nhiều dòng xe nổi tiếng có mặt trên thị trường Việt Nam. Để có thể đưa ra mức giá này, chiến lược khá đặc biệt của VinFast là không bán pin đi theo xe mà cho thuê với giá gần 1,5 triệu đồng/tháng cho quãng đường di chuyển tối đa 1.400 km. Giải pháp này có nghĩa hãng sẽ chịu rủi ro về chất lượng và tuổi thọ của pin trong quá trình sử dụng.
Với chính sách như trên, khả năng cạnh tranh của VF e34 rất nổi trội so với nhiều dòng xe nhập. Chỉ xét riêng về giá, hầu hết các dòng nhập khẩu đều có giá cao hơn xe điện của VinFast ít nhất 2-3 lần, thậm chí gấp đến hàng chục lần. Chẳng hạn, có giá gần như thấp nhất trong các dòng xe điện đã có mặt ở Việt Nam, Nissan Leaf đến tay người tiêu dùng khoảng 1,6 tỉ đồng. Mức giá của mẫu Tesla Model 3 nhập khẩu không chính hãng khoảng 3 tỉ đồng/chiếc, xe điện Porsche Taycan có giá lên đến 6 tỉ đồng/chiếc sau khi cộng tất cả các loại thuế, phí.
Trên thế giới, xe điện có giá khá cao do phải gánh chi phí pin bằng tối thiểu 30% giá xe. Ví dụ, dòng xe khá bình dân trong danh sách SUV điện là Hyundai Kona Electric 2021 bán ra tại Mỹ khoảng 21.7000 USD. Như vậy, nếu nhập khẩu về Việt Nam, người dùng sẽ phải bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng đã bao gồm tất cả các loại thuế, phí để được trải nghiệm phương tiện xanh. Nhiều mẫu khác có giá còn cao hơn, như Kia e-Niro 36.515 USD, Peugeot e-2008 giá 37.645 USD…
Hệ thống trạm sạc chưa sẵn sàng
Hạ tầng là câu chuyện quá quen thuộc khi bàn về chính sách dành cho xe điện vài năm trở lại đây. VinFast cùng với chiến lược sản xuất xe điện đã phải thực hiện song song kế hoạch xây dựng khoảng 40.000 cổng sạc ôtô điện trên cả nước, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021 để kịp tiến độ bàn giao xe.
Tuy nhiên, một hệ thống trạm sạc phong phú, đồng bộ và có khả năng phục vụ nhu cầu sạc, đổi pin cho tất cả dòng xe trên thị trường hiện vẫn còn là điều xa vời với nhiều hãng xe khác. Đây là rào cản khiến không chỉ người tiêu dùng chưa mặn mà với dòng xe này mà ngay cả nhà cung ứng và hãng cũng không thật hào hứng với các kế hoạch đưa xe về Việt Nam. Do đó, dòng xe có nhiều ưu điểm này khó thay thế xe động cơ đốt trong ít nhất trong thời điểm hiện tại.
Đại diện Jaguar Land Rover Việt Nam cho biết mặc dù đã có thông tin mẫu xe điện Jaguar I-Pace sắp có mặt tại Việt Nam nhưng hãng vẫn chưa có kế hoạch ra mắt chính thức trong năm nay do nhiều yếu tố về cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng được, nhất là các trạm sạc điện và hệ thống giao thông phù hợp để vận hành.
Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, nói dù rất muốn đưa 2 dòng xe điện ID.3 và ID.4 về thị trường trong nước nhưng chưa được tập đoàn đồng ý vì điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ có các trạm sạc chuyên dụng mới có thể sử dụng chế độ sạc pin nhanh với khoảng 15 phút sạc cho quãng đường 180 km. Khi chưa có hệ thống trạm sạc, khách hàng buộc phải tự sạc ở nhà với thời gian lâu hơn rất nhiều lần. Anh H.T, chủ chiếc ôtô điện của hãng Tesla tại TP HCM cho biết để sạc đầy pin, cần tới 20-30 giờ sạc liên tục tại nhà. Do vậy, xe điện chỉ phù hợp với người có lịch trình di chuyển không quá dài, chủ yếu đi trong thành phố.
Các chuyên gia còn cảnh báo khí hậu nóng ẩm của Việt Nam cũng phần nào ảnh hưởng đến bo mạch, vi mạch xử lý, khiến xe mau hỏng hơn so với sử dụng ở các nước ôn đới; pin mau hết, độ bền kém. Chưa kể, dòng xe này phải sử dụng thường xuyên, nếu không pin sẽ mau hỏng. "Trước đây, một chiếc Tesla nhập về Việt Nam do vướng thủ tục phải nằm ở cảng khoảng nửa năm. Sau đó, pin bị yếu không thể hồi phục được, phải tìm nhập pin mới về thay thế với giá lên tới 400 triệu đồng" - một chuyên gia về ôtô dẫn chứng.
Kỹ sư Lê Văn Tạch - một người am hiểu chuyên sâu về xe hơi - đánh giá cao định hướng phát triển dòng xe điện nhằm thay thế phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong song cũng lưu ý việc sử dụng và bảo quản pin không dễ. Đặc biệt, giới hạn tuổi thọ của pin chỉ khoảng 6-7 năm, sau đó phải thay thế. Đây sẽ là một khoản đầu tư tốn kém nên chắc chắn không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng bỏ tiền mua xe điện, nhất là với các dòng xe nhập giá cao và không có chính sách thuê pin.
Chi phí "nuôi" xe lớn
Theo giới chuyên môn, để sạc đầy một bộ pin cho quãng đường tối đa 300 km, chủ xe phải chi trả chi phí tương ứng với 42 KWh điện. Với nhu cầu đi khoảng 1.400 km/tháng, cần dùng tới 196 KWh điện. Trong khi đó, nếu áp theo biểu giá điện bậc thang hiện hành, 196 KWh điện tương đương bậc thang thứ 3. Nếu tính cả lượng điện sinh hoạt của gia đình, chỉ số điện cao nhất sẽ nhảy lên bậc 4-6. Theo tính toán, để vận hành một chiếc xe điện với quãng đường 1.400 km, người sử dụng tốn khoảng 1,8-2 triệu đồng/tháng để chi trả tiền điện và thuê pin. Trong trường hợp xe lăn bánh hơn 1.400 km trong tháng, chi phí sẽ tăng theo.
Lưu ý bài toán nguồn điện
Chuyên gia độc lập về môi trường và năng lượng Đào Nhật Đình nhận định việc phát triển xe hơi chạy bằng điện thay thế xe động cơ đốt trong sẽ đòi hỏi tiêu thụ một lượng điện không nhỏ. "Không rõ dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính tới thực tế sử dụng của ôtô điện trong tăng trưởng nhu cầu điện thời gian tới chưa? Lượng tiêu thụ sản phẩm dầu hiện nay khoảng 22 Mtoe, lớn hơn cả lượng tiêu thụ điện hiện nay nếu quy về đơn vị Mtoe; trong đó, chủ yếu dùng cho giao thông. Chỉ cần một nửa trong số đó, tương đương 11 Mtoe, chuyển sang sử dụng điện thì đòi hỏi sản lượng điện lên tới 127 tỉ KWh, bằng gần một nửa sản lượng điện cả nước hiện nay" - ông Đình đặt vấn đề.
Bình luận (0)